Chiều 29/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm trên người đã họp tại Bộ Y tế. Trong ngày, Việt Nam ghi nhận thêm 60 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Như vậy, nước ta đã có 763 ca mắc cúm và con số này vẫn tăng hằng ngày nhưng chưa có trường hợp nào tử vong.
Hà Nội chưa có lây nhiễm cộng đồng
Tại Hà Nội, người dân đặc biệt quan tâm đến ổ dịch ở tòa nhà Viettel. Ngày 29/7, các hoạt động ở đây đã diễn ra bình thường trở lại, nhưng 100% nhân viên vẫn phải đeo khẩu trang phòng bệnh, hạn chế đi lại, tiếp xúc nếu không cần thiết. Ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết thêm, 4 trường hợp nghi ngờ do tiếp xúc gần với người bệnh tại tòa nhà Viettel kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với cúm A/H1N1. Tuy nhiên, Viện lại vừa tiếp nhận một số người làm việc tại tòa nhà Viglacera (số 1, đường Láng - Hòa Lạc) có các dấu hiệu lâm sàng của bệnh cúm A/H1N1.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, các trường hợp mắc cúm của Hà Nội vẫn là những ca trở về từ vùng dịch hoặc bị lây nhiễm do tiếp xúc gần, chưa có lây nhiễm trong cộng đồng. Ngành y tế đã chuẩn bị 10.000 khẩu trang N95; cấp thêm 16.000 viên thuốc Tamiflu, trong đó 7.000 viên cho các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, 3.000 viên cho trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và dự trữ 6.000 viên; in, phát hơn 100.000 tờ rơi về các biện pháp phòng, chống dịch cho người dân. Bệnh viện Đống Đa đã chuẩn bị sẵn sàng thu dung bệnh nhân khi Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia quá tải.
Yêu cầu xây dựng mô hình bệnh viện dã chiến
Tại cuộc giao ban, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, hiện tại đã có 20 tỉnh ở phía Nam có máy xét nghiệm bệnh phẩm cúm A/H1N1, bảo đảm an toàn sinh học, đang chờ được kiểm tra và cho phép tiến hành xét nghiệm, công bố kết quả. 26 tỉnh có đề nghị được cấp thuốc Tamiflu, Bộ sẽ đề nghị cấp kinh phí để kịp thời mua Tamiflu và một số thuốc Zanamivir điều trị trong trường hợp kháng thuốc Tamiflu.
Rút kinh nghiệm từ việc xử lý 2 ổ dịch trường học tại TP Hồ Chí Minh: Trường Ngô Thời Nhiệm chưa có sự trao đổi thông tin ngay ban đầu, gây ra tình trạng phụ huynh hoang mang; Trường Nguyễn Khuyến lại ồ ạt đưa học sinh về cách ly tại gia đình khiến dịch dễ lan ra cộng đồng, Bộ trưởng đã yêu cầu các địa phương xây dựng mô hình bệnh viện dã chiến phù hợp với đặc trưng của trường học, công sở, khu công nghiệp.
Được biết, Bộ Giao thông Vận tải đã có kế hoạch thường xuyên tổ chức khử khuẩn trên các phương tiện giao thông như ô tô, tàu hỏa, máy bay. Tuy nhiên, do chưa có quy trình chuẩn sử dụng hóa chất khử khuẩn trên máy bay nên việc làm này còn khá lúng túng.
Các trường học chủ động phòng dịch
Ngay sau khi có văn bản của Sở GD-ĐT Hà Nội về việc phòng, chống dịch, ngày 29-7, nhiều trường học đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như thông báo trên bảng tin; tuyên truyền, phổ biến tới HS; gửi thông báo cho từng phụ huynh để phối hợp theo dõi sức khỏe HS; tăng cường vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rắc vôi bột quanh khu vực trường...
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội, qua kiểm tra, các trường mầm non cũng đã thực hiện nghiêm túc quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, khám sức khỏe cô nuôi, tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi, môi trường sinh hoạt và học tập của trẻ…
Ông Nguyễn Hữu Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã liên tục có văn bản chỉ đạo các đơn vị phải thành lập ngay ban chỉ đạo với yêu cầu đặt công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu trong thời điểm này; chú trọng tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, giáo viên, HS về các biện pháp phòng, chống dịch; nếu phát hiện HS nhiễm cúm A/H1N1, nhà trường có thể dừng mọi hoạt động giáo dục tại trường và phối hợp với cơ quan y tế quản lý, lưu giữ số HS có biểu hiện nhiễm cúm để hạn chế lây lan ra diện rộng. Các trường học phải có phương án chuẩn bị cơ sở vật chất, sẵn sàng cho việc lập khu vực cách ly và triển khai bệnh viện dã chiến tại trường học.