41 người đã chết vì ma tuý; 53 đối tượng nghiện có hồ sơ quản lý và số đối tượng nghiện chưa có hồ sơ quản lý cũng xấp xỉ con số 50 đã và đang khiến xã Đào Xá trở thành điểm nóng nhất của huyện Phú Bình về ma tuý.
Trong khi đó, việc sử dụng, tổ chức, buôn bán các chất ma tuý của các đối tượng này ngày càng tinh vi, còn lực lượng công an xã lại quá mỏng, trang thiết bị thô sơ và người dân còn chưa dám công khai, mạnh dạn đấu tranh... càng khiến việc đấu tranh, xử lý vấn đề về ma tuý ở đây trở nên khó khăn hơn bất cứ lúc nào...!
Anh Dương Đình Lập, Trưởng công an xã Đào Xá kể rành mạch cho chúng tôi nghe hoàn cảnh từng gia đình, nhớ tên từng đối tượng nghiện dù đã chết hay chưa có hồ sơ quản lý. Anh bảo, mặc dù chức năng, nhiệm vụ của Công an xã khá nhiều nhưng với Đào Xá thì vấn đề quản lý các đối tượng nghiện; đấu tranh với việc tổ chức, buôn bán, vận chuyển các chất ma tuý luôn được xem là nóng bỏng và mất nhiều thời gian, công sức hơn cả. Xã tuy có 7 xóm, nhưng có đến 1.312 hộ, với hơn 5.560 nhân khẩu, xóm đông nhất lên tới hơn 300 hộ dân. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến việc quản lý, đấu tranh đối với các đối tượng nghiện. 3 xóm được xem là “nóng” của xã gồm: Rẫy, Tân Sơn, Xuân Đào. Theo anh Lập, có đến 30% đối tượng nghiện của Đào Xá tham gia vào việc buôn bán ma tuý với quy mô nhỏ, lẻ.
Rồi anh lùi về quá khứ cách đây gần 20 năm - từ những năm 90 của thế kỷ trước để trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao Đào Xá lại có nhiều đối tượng nghiện nhất huyện. Đó là vì vàng. Vào thời gian đó, phong trào đào vàng bắt đầu nổi lên ở Ma Nu (Cao Bằng), Khau Âu (Bắc Kạn). Tiếp đó là ở Lục Ngạn (Bắc Giang), rồi ở Hoà Bình, Đà Nẵng đã lôi kéo trai làng tham gia. Một số người đã trúng ục, sở hữu cả kilôgam vàng. Chính điều này càng khiến giấc mơ làm giàu, đổi đời trong nhiều gia đình bùng lên mạnh mẽ. Phải đến năm 2005, phong trào đào vàng mới bắt đầu lắng xuống. Chỉ rất ít người sau khi đào được vàng biết lấy đó là vốn làm ăn, tậu trâu, xây nhà. Còn đại đa số dù được hay không đều rơi vào con đường ăn chơi, lười lao động; hễ có cơ hội là lại đi đào vàng. Hầu hết người đi đào vàng đều nghiện hút các chất ma tuý. Bởi trong nhận thức của nhiều người, khi sử dụng các chất ma tuý, sẽ tăng thêm phần “oai” và mới ra dáng “bưởng”. Những người nghiện từ bãi vàng trở về không biết vô tình hay cố ý đã khiến cả người thân, bạn bè nghiện theo. Để rồi, muốn có tiền mua thuốc hút, chích, nhiều người đã rơi vào con đường tổ chức, buôn bán các chất ma tuý.
Chúng tôi không khỏi xót xa khi được biết, ở Đào Xá, có những gia đình cả bố, con, vợ, chồng, anh em đều mắc nghiện. Trong số này phải kể đến gia đình ông N.V.T, xóm 3 Xuân Đào có 5 con trai và 1 con rể mắc nghiện. Bản thân ông T. cũng đã bị công an xã bắt quả tang sử dụng ma tuý. 3/5 con trai ông đã chết. Hay như hộ ông D.V.B, xóm Xuân Đào, có 5 người con trai thì có 3 người con mắc nghiện. Nguy hại hơn, để có tiền mua ma tuý, 1 trong 3 đối tượng này còn tham gia tổ chức cho các đối tượng khác dùng ma tuý và 2 đối tượng khác thì buôn bán ma tuý. Cả 3 đối tượng này đều đã bị đi tù, trong đó, có 1 người lĩnh 2 án tù giam, với thời gian 18 năm, 1 người lĩnh án 17 năm tù giam. Đau lòng hơn là hộ Đ.Đ.T có vợ là N.T.X, xóm Tân Sơn hiện đều đã chết, có 3 con trai trong đó có 2 người con hiện công an xã nghi mắc nghiện; em và anh trai ông T. cũng mắc nghiện và tham gia buôn bán ma tuý đã từng bị bắt giam...
Điều đáng nói là hầu hết các gia đình có con khi bị nghi mắc nghiện được chính quyền, công an, bà con lối xóm nhắc nhở thì đều có phản ứng tiêu cực. Không ít người còn mắng, chửi người cung cấp thông tin và cho rằng chính quyền, công an ghét bỏ, thù oán với gia đình mình mà làm ngơ trước cuộc sống của con cái. Chỉ đến khi bắt được quả tang hoặc bản thân đối tượng đó trộm cắp tài sản của gia đình, hàng xóm thì lúc đó mới vỡ lẽ. Cũng theo đồng chí Lập, chính tâm lý ái ngại, xấu hổ, thậm chí dẫn đến bao che của nhiều gia đình đã khiến công tác phòng chống, đấu tranh với ma tuý ở Đào Xá trở nên khó khăn.
Tâm sự với ông Hoàng Văn Sự, xóm Tân Sơn có 3 người con trai và 1 người con rể mắc nghiện, chúng tôi phần nào hiểu được tâm tư, tình cảm của những gia đình không may có con mắc nghiện. Ông Sự nói: Là người cha, người mẹ ai chẳng thương và lo cho con. Vợ chồng tôi đã tạo mọi điều kiện để các con có cuộc sống ổn định nhưng chẳng hiểu chúng nghĩ thế nào lại sa vào con đường nghiện ngập. Nghiện rồi, chúng mất hết đạo lý làm con. Cứ hở cái gì là chúng lấy bán cái đó, từ cân thóc, con gà, đấu lạc, cái nồi. Ông Sự thở dài đến não lòng: Bao giờ cho đến ngày xưa, cái ngày mà các con đều biết thương yêu, nghe lời bố mẹ và giúp đỡ lẫn nhau!?
Là người phải sống, hàng ngày phải chứng kiến các đối tượng nghiện tuý ngang nhiên tiêm chích trước và cạnh nhà, gia đình cũng không biết bao nhiêu lần bị các đối tượng này trộm cắp tài sản, bà Nguyễn Thị Căn, xóm Tân Sơn, nhà cách trụ sở UBND xã 3 nóc nhà bức xúc: Cứ sơ hở cái gì là mất với chúng cái ấy. Tôi đã từng bị mất 1 con bò. Còn chuyện mất cái xe đạp, con gà, gói bánh và những thứ lặt vặt, linh tinh khác là chuyện cơm bữa. Bà nhẩm tính: Mỗi năm, trung bình, nhà tôi phải “cống” cho chúng ít nhất từ 2-3 triệu đồng.
Thực tế hiện nay, việc đấu tranh với những đối tượng buôn bán, tàng trữ và sử dụng các chất ma tuý ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp do hoạt động buôn bán của các đối tượng này ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Để điều tra, khám phá được 1 vụ buôn bán, vận chuyển các chất ma tuý phải mất vài tháng, thậm chí cả năm, từ việc nắm thông tin đến cử người theo dõi quá trình hoạt động... Trong khi đó, lực lượng công an xã lại quá mỏng, chỉ với 9 đồng chí, trong đó có 1 trưởng, 1 phó công an xã và 7 công an viên ở 7 xóm; trang thiết bị phục vụ cho công tác này cũng rất thô sơ, chỉ là chiếc còng số 8. Năm 2008, được sự chỉ đạo, giúp đỡ và trực tiếp tham gia của công an tỉnh, công an huyện, đã có 3 vụ liên quan đến ma tuý ở Đào Xá bị phát hiện, bắt 3 đối tượng, trong đó có 1 đối tượng vận chuyển trái phép, 2 đối tượng buôn bán; 6 tháng đầu năm 2009, trên địa bàn xã cũng đã bắt được 3 vụ, bắt 3 đối tượng. Bên cạnh đó, do chưa có cơ chế khuyến khích hợp lý nên đại đa số người dân chưa mạnh dạn tham gia tố giác. Các tổ chức hội, đoàn thể chưa thực sự, nhiệt tình vào cuộc; còn tồn tại tư tưởng, việc đấu tranh với ma tuý là của chính quyền và công an... Thêm nữa, việc xét xử các vụ án liên quan đến ma tuý xảy ra trên địa bàn xã Đào Xá bị Toà án đưa ra xét xử thường phạt tù ở khung tối thiểu nên ít có tính răn đe, thuyết phục, gây bức xúc trong nhân dân. Việc giải quyết các vụ trộm cắp tài sản do các đối tượng nghiện gây ra cũng gặp phải không ít trở ngại. Nếu giá trị tài sản bị mất không quá 500 nghìn đồng thì theo quy định của luật chỉ là phạt hành chính, nhưng các đối tượng này hầu như đều “tay trắng” nên công an xã thường chỉ yêu cầu viết kiểm điểm, nhắc nhở cảnh cáo rồi thả về. Điều này đã và đang khiến nhiều người dân không đồng tình, cho rằng, công an xã đã “dung túng” cho các đối tượng nghiện.
Những bất cập, khó khăn nêu ra trên đây cũng là thực tế chung trong công tác phòng chống ma tuý ở hầu hết các nơi trên địa bàn tỉnh. Mong rằng, những khó khăn đó sẽ được các cấp, ngành có thẩm quyền quan tâm, xem xét. Bên cạnh đó, mỗi người dân, mỗi gia đình, tổ chức, ngành chức năng cần tự giác nâng cao ý thức trách nhiệm hơn nữa trong công tác phòng, chống ma tuý; giáo dục, quản lý con em biết cách tránh xa ma tuý để “ma tuý” nói riêng, các tệ nạn xã hội nói chung không còn là thảm kịch trong mỗi gia đình và là gánh nặng đối với xã hội.