Trưa nay, bão số 4 có thể vào Quảng Ninh, Nam Định

08:02, 12/07/2009

Thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, đến 22 giờ ngày 11/7, vị trí tâm bão đã cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 490 km về phía Đông Đông Nam. Khoảng trưa và chiều ngày 12/7, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Quảng Ninh – Nam Định.

 

Theo đó, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, dự báo trong 24 giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc Bộ và các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ.

 

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương tính toán, khoảng trưa và chiều ngày 12/7 vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định. Đến 22 giờ ngày 12/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

 

 

Trưởng Ban chỉ đạo PCLB TƯ Cao Đức Phát chiều 11/7 cho biết, vùng nguy hiểm của bão số 4 được xác định từ bắc Vĩ tuyến 19. Từ tối nay, Ban chỉ đạo sẽ cấm biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Các tỉnh miền núi phía Bắc khẩn trương phòng chống lũ quét, sạt lở đất.

 

Tại cuộc họp khẩn cấp của Ban chỉ đạo PCLB TƯ chiều 11/7, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV TƯ thông báo:  sáng 9/7, ngoài khơi Thái Bình Dương xuất hiện áp thấp. Đến trưa 10/7, nó đã vượt qua vĩ tuyến 120 độ Đông đi vào biển Đông, với tốc độ 25 km/h.

 

Trưa 11/7, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão- cơn bão số 4, có tên quốc tế là SOUDELER. Hồi 16h chiều nay,  vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 330 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

 

Theo ông Tăng, hướng đi của bão sẽ tiếp tục ổn định giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ.Cường độ bão ở cấp 8, giật cấp 9, 10.

 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng. Các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ gió sẽ mạnh lên cấp 5 và có mưa từ sáng 12/7, có nơi mưa rất to. Mưa chủ yếu dồn vào chiều và đêm 12/7.

 

Riêng khu vực Tây Bắc gần sáng 13/7 sẽ có mưa to và kéo dài. Dự báo, lượng mưa khoảng 100mm, nhiều nơi trên 200mm. Điều đặc biệt nguy hiểm là trong điều kiện các tỉnh miền núi vừa có mưa lớn nên lượng nước tích trong đất nhiều, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất cao.

 

Không để tàu đi lạc vào vùng nguy hiểm của bão

 

Ngay sau khi nhận được tin áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, Ban chỉ đạo PCLB TƯ đã có Công điện số 15/CĐ-TW hồi 15h ngày 11/7 gửi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá và các tỉnh Bắc bộ không cho tàu thuyền ra khơi, chuẩn bị các phương án đối phó với mưa, lũ, có kế hoạch di dời dân ra khỏi các vùng thấp trũng, khu vực có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét.

 

Đại diện Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn cảnh báo: tàu thuyền và ngư dân trên biển là đối tượng gặp nguy hiểm đầu tiên. Do vậy, lực lượng biên phòng cần tiếp tục thông báo hướng dẫn tàu cá và ngư dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tại vịnh Bắc Bộ, hải quân đảm bảo túc trực từ Đà Nẵng trở ra để sơ tán và cứu nạn.

 

Ngoài ra, khu vực nguy hiểm nhất chính là miền núi cả Đông và Tây Bắc, bởi với lượng mưa dự báo 100-200 mm là điều rất nguy hiểm khi vùng này đất đang bị ngâm nước.

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, ngay sau cuộc họp, các đơn vị tiếp tục phối hợp với Đà Nẵng liên hệ 35 tàu đang hoạt động ở bắc Trường Sa, để không để xảy ra tình trạng đi lạc vào vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, khẩn cấp chỉ đạo các tỉnh miền Bắc có tàu thuyền hoạt động ở vịnh Bắc Bộ di chuyển vào bờ. Các đài duyên hải, Đài tiếng nói Việt Nam tăng tần suất phát tin. Bộ Ngoại giao có thông báo với Trung Quốc để bà con lên tránh nạn ở những đảo của nước bạn.

 

Bộ trưởng cũng xác định vùng nguy hiểm của bão là từ bắc Vĩ tuyến 19. Từ tối nay (11/) thông báo cấm biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá.

 

Mưa lớn đe dọa vùng núi phía Bắc

 

Ông Phát cho rằng, đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, điều rất lo ngại là không thể biết được mưa dồn vào đâu mà phòng chống trước nên các địa phương phải rà soát và hướng dẫn nhân dân tích cực tránh sạt lở.

 

"Tất cả các tỉnh phải sẵn sàng và phải chịu trách nhiệm phòng chống lụt bão, mà đợt vừa qua Tuyên Quang đã làm rất tốt. Cần chuẩn bị sẵn sàng các phương khôi phục giao thông trong trường hợp sạt lở đường, gây ách tắc. Các vùng có nguy cơ chia cắt chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thuốc men đề phòng tình huống chia cắt dài ngày", Bộ trưởng cương quyết.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận lưu ý: Ban chỉ đạo PCLB TƯ phải tính đến nhiều khả năng. Cơn bão này cộng với áp thấp nhiệt đới ngoài biển Đông tác động nên các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Cao Bằng, Sơn La... và các tỉnh miền Trung đều nằm trong vùng ảnh hưởng cả.