Bảo đảm an toàn trong lao động sản xuất

09:24, 07/08/2009

Công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn được Ban Giám đốc và đội ngũ cán bộ, công nhân Nhà máy Cán thép Lưu Xá (Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên) coi trọng, vì thế nhiều năm nay, đơn vị không để xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, người lao động an tâm công tác và luôn có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh những quy định về ATLĐ.

 

Để công tác ATVSLĐ đi vào nền nếp, Nhà máy đã thành lập Hội đồng bảo hộ lao động (BHLĐ) cấp nhà máy với 9 thành viên, do đồng chí Phó Giám đốc làm Chủ tịch Hội đồng và tiểu ban BHLĐ cấp phân xưởng hàng năm có tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại để hạn chế, ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã tổ chức ký cam kết không để xảy ra tai nạn lao động tới từng cán bộ, CNVC, tổ sản xuất và các phân xưởng. Tổ chức ôn luyện, kiểm tra định kỳ về công tác BHLĐ 2 lần/năm (vào tháng 5 và tháng 11), căn cứ vào kết quả này để bình xét các danh hiệu thi đua vào cuối năm. Việc Nhà máy xây dựng quy chế gắn thu nhập với hiệu quả công tác BHLĐ; Hội đồng BHLĐ nhà máy duy trì thường xuyên kiểm tra 1 lần/tuần với các nội dung: Ký sổ cam kết trước khi lên ca, kiểm tra kỷ luật lao động, kiểm tra thực hiện quy trình, quy phạm trong sửa chữa và vận hành… đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động trong thực hiện công tác BHLĐ.

 

Cụ thể, tại các tổ sản xuất đều có sổ theo dõi về công tác BHLĐ. Đầu giờ mỗi ngày người lao động ký cam kết với 3 nội dung: Mang đầy đủ trang bị cần thiết cho công việc, chấp hành quy trình sản xuất, đủ sức khỏe và tâm lý sản xuất. Riêng đối với an toàn viên BHLĐ và tổ trưởng sản xuất ký thêm nội dung: Đôn đốc cán bộ, CNV trong tổ thực hiện công tác VSLĐ và duy trì mặt bằng sản xuất sạch sẽ… Rất nhiều panô, áp phích về ATLĐ được lắp đặt tại những chỗ dễ thấy, dễ nhìn trong toàn Nhà máy; trên từng thiết bị, máy móc đều có bảng hướng dẫn sử dụng và các thông số an toàn kỹ thuật. Đồng chí Vũ Tiến Bộ, phụ trách công tác an toàn của Nhà máy cho biết: Nhà máy lắp đặt góc bảo hộ lao động với các hình ảnh và thường xuyên cập nhật các văn bản mới về công tác ATLĐ đặt cạnh cửa ra vào của nhà ăn ca để người lao động tiện xem. Bản tin nội bộ được xây dựng và phát 1 tuần/1 lần với các tin, bài về công tác ATLĐ, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và công tác bảo vệ môi trường trong Nhà máy; những tập thể, cá nhân vi phạm đều được đọc trên bản tin để mọi người cùng rút kinh nghiệm. Mỗi năm, Nhà máy chi cho công tác tuyên truyền về BHLĐ hàng trăm triệu đồng.

 

Ngoài ra, công tác kỹ thuật an toàn, VSLĐ, bảo vệ môi trường, cung cấp trang bị bảo vệ cá nhân và bồi dưỡng độc hại cho người lao động được chăm lo và ngày càng cải thiện. Từ đầu năm đến nay, Nhà máy đã chi trên 500 triệu đồng để bồi dưỡng độc hại cho người lao động; trên 300 triệu đồng cho công tác bảo vệ môi trường; trên 170 triệu đồng trang bị phòng hộ lao động… với những công việc cụ thể như: Gia cố an toàn, sửa chữa thay thế các lan can hành lang cầu trục, che chụp an toàn ở khu vực cán thép hình, thu thập thép dây, bổ sung lưới chắn má gang; tổ chức đo 258 điểm của hệ thông thu lôi tiếp địa trong toàn nhà máy; đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; duy trì tổ vệ sinh công nghiệp…

 

Có thể nói sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo nhà máy đối với công tác an toàn vệ sinh lao động cùng với sự tự giác của thực hiện của công nhân đã tạo nên môi trường sản xuất an toàn, cảnh quan xung quanh nhà xưởng xanh - sạch đẹp, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của Nhà máy với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.