Thu nhập bình quân đầu người chỉ kém nhau vài nghìn đồng mỗi tháng, nhưng nếu là hộ nghèo, người dân được được hưởng rất nhiều chính sách đãi ngộ của Nhà nước như: vay vốn tín dụng với lãi suất thấp; hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề; cấp thẻ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí, cung cấp sách giáo khoa khi con em hộ nghèo đi học... Nhưng đối với các hộ cận nghèo thì lại không được hưởng những chính sách này.
Theo quy định của Nhà nước, những hộ dân ở nông thôn có mức thu nhập bình quân dưới 200 nghìn đồng/khẩu và những hộ ở thành thị có mức thu nhập bình quân dưới 260 nghìn đồng/khẩu được công nhận thuộc diện hộ nghèo. Và đã được công nhận là hộ nghèo thì Nhà nước có hàng loạt chính sách hỗ trợ trực tiếp như đã nêu ở trên. Còn đối với hộ cận nghèo được xác định là những hộ có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 201 nghìn đồng tới dưới 260 nghìn đồng (hộ dân ở nông thôn) và có mức thu nhập bình quân đầu người từ 261 nghìn đồng/tháng đến dưới 338 nghìn đồng (hộ dân thành thị).
Thu nhập không có sự chênh lệnh nhiều so với hộ nghèo nhưng hộ cận nghèo không được hưởng những chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước như hộ nghèo. Duy nhất chính sách hộ cận nghèo được hưởng là Nhà nước và tỉnh hỗ trợ 60% chi phí mua bảo hiểm y tế, còn cá nhân những người thuộc diện này phải bỏ ra 40% chi phí, tương đương 99 nghìn đồng/người/năm (trừ đối tượng là người già trên 85 tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi). Số tiến 99 nghìn đồng không quá lớn nhưng khi biết thông tin phải nộp thêm tiền đã có nhiều người nói không đủ khả năng “đối ứng” để mua bảo hiểm y tế. Đầu tháng 7 vừa qua, các xã, thị trấn trong tỉnh mới triển khai việc bán bảo hiểm y tế cho người thuộc diện hộ cận nghèo nhưng một số người thuộc diện hộ cận nghèo cũng chưa nhiệt tình tham gia và chắc chắn không thể 100% số người cận nghèo mua được thẻ bảo hiểm y tế (hiện toàn tỉnh có 61.579 người thuộc diện hộ cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế).
Không được hỗ trợ trực tiếp trong sản xuất, sinh hoạt nên 26.293 hộ cận nghèo trong tỉnh (chiếm 9,66% số hộ toàn tỉnh) đang là nhóm đối tượng gặp khó khăn nhất trong cuộc sống. Trong số những hộ cận nghèo nêu trên thì lại có tới gần 900 hộ thuộc diện gia đình chính sách, 754 hộ có người tật nguyền không thể tự lao động nên cuộc sống càng khó khăn. Vì cuộc sống khó khăn nên nhiều hộ cận nghèo đã không có điều kiện để cho con tới trường học tập hoặc con em hộ cận nghèo chỉ học hết bậc tiểu học, THCS là phải nghỉ ở nhà lao động phụ giúp bố mẹ. Những người thuộc diện hộ cận nghèo khi ốm đau cũng chỉ chữa trị ở mức độ nhất định chứ không có điều kiện, cơ hội để tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao. Đồng chí Lê Ngọc Liên, Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: “Qua nhiều lần khảo sát, đánh giá về đời sống vật chất, tinh thần của một số hộ cận nghèo, chúng tôi thấy quả đúng là bà con đang rất khó khăn. Tuy nhiên, để giúp đỡ trực tiếp cho hộ cận nghèo thì phải có kinh phí đầu tư của Nhà nước mà trong thời điểm hiện tại chưa có văn bản nào hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ cận nghèo. Để góp phần giải quyết những khó khăn cho hộ cận nghèo thì Sở đã một số chương trình, dự án góp phần trợ giúp hộ cận nghèo như đào tạo nghề miễn phí, ô mẫu sản xuất nhưng số hộ được hưởng lợi cũng không nhiều”.
Theo chúng tôi, trong thời điểm chưa có những sách hỗ trợ cụ thể cho hộ cận nghèo thì cộng đồng các khu dân có hộ cận nghèo sinh sống, chính quyền các cấp trong tỉnh cũng nên có sự giúp đỡ ít, nhiều về vật chất, tinh thần cho đối tượng này. Có thể là miễn, giảm các khoản đóng góp tại địa phương, miễn giảm một phần tiền học phí cho con hộ cận nghèo, miễn giảm chi phí khi người dân thuộc diện cận nghèo đi khám chữa bệnh. Đặc biệt là nên gắn các hộ cận nghèo vào các chương trình phát triển kinh tế tại địa phương để bà con có cơ hội vươn lên. Hiện các địa phương trong tỉnh có số hộ cận nghèo lớn là: Phú Bình 5.858 hộ (chiếm 17,85% số hộ), Định Hóa 3.565 hộ (chiếm 15,62%), Võ Nhai 2.141 hộ (chiếm 14,56%)... thấp nhất là T.P Thái Nguyên có 2.088 hộ (chiếm 3,41%).
Theo tiêu chí chuẩn nghèo mới đang được Trung ương xây dựng trong giai đoạn 2011-2015 là đối với khu vực nông thôn sẽ có mức thu nhập bình quân dưới 350 nghìn đồng/người/tháng, còn ở thành thị có mức thu nhập bình quân dưới 450 nghìn đồng người/tháng. Và chắc chắn, 26.293 hộ cận nghèo của Thái Nguyên hiện nay sẽ là hộ nghèo...