Chuyện làng Cổ Pháp

10:15, 09/08/2009

Thường khi ngồi vào bàn viết hồi ký, cụ Nguyễn Khắc Hân, 93 tuổi, làng Cổ Pháp, xã Tiên Phong (Phổ Yên) lại vận chiếc áo lụa đỏ. Cụ bảo: Làng Cổ Pháp là vùng đất có truyền thống cách mạng, nên mỗi nét bút viết về làng, về con người ở đây đều cần có sự tôn nghiêm.

 

Ở tuổi đại thọ, song đôi mắt cụ tinh anh, nét bút phác trên nền giấy vẫn mềm mại, bay bổng. Trước năm 1945, người làng gọi cụ là anh giáo, anh đồ nho. Bấy giờ trong làng chỉ có chừng hơn bốn chục hộ,Tết đến xuân về bà con trong làng lại rủ nhau đến xin chữ của cụ về treo... Điều khiến chúng tôi cảm phục là trong nhà cụ có tới 3 người được Chính phủ trao tặng Bằng có công với nước. Một tấm Bằng dành cho bà Lưu Thị Phận, mẹ ông; một tấm Bằng dành cho ông và một tấm Bằng nữa Chính phủ tặng cho ông Nguyễn Khắc Thổ, em ruột ông Hân. Ngoài vinh dự này, ngôi nhà gỗ 5 gian lợp ngói dựng theo lối kẻ chuyền con chồng của bà Phận còn được Nhà nước công nhận là điểm di tích lịch sử Quốc gia, vì đó là ngôi nhà một số đồng chí cán bộ lãnh đạo Trung ương Đảng đã ở và làm việc từ những năm 1939 - 1945.

 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tạ Duy Luân, Bí thư chi bộ Cổ pháp tự hào: Sau cách mạng tháng Tám thành công, làng Cổ Pháp có 45 gia đình và cá nhân được Chính phủ tặng Bằng có công với nước; 4 gia đình được Chính phủ tặng đồng tiền vàng và 3 cán bộ tiền khởi nghĩa.

 

Để chúng tôi hiểu hơn về làng Cổ Pháp, ông Nguyễn Hữu Chinh, 63 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tiên Phong cho biết: Làng Cổ Pháp trước đây gọi là làng Dương, hoặc Thùa Dương, dân cư chủ yếu từ các vùng thôn dã của Bắc Ninh đến lập nghiệp. Cuối năm 1939, Xứ ủy Bắc kỳ đặt cơ sở hoạt động tại đây, nên Cổ Pháp cũng như một số địa bàn lân cận trở thành nơi đưa đón cán bộ cách mạng từ miền xuôi lên chiến khu hoặc ngược lại. Các cụ Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Hải Lục... cũng từng ở đây lãnh đạo phong trào, vì thế làng Cổ Pháp, xã Tiên Phong được Trung ương Đảng tin tưởng đặt làm vùng an toàn khu 2.

 

Khép lại 2 cuộc kháng chiến, từ hơn 40 nóc nhà xưa, nay làng có hơn 400 hộ dân, sinh sống ở 4 xóm là Đinh Thành, Thái Cao, Ao Cả và Kết Hợp. Song vì những nét đẹp truyền thống trong suốt chặng đường dài làng Cổ Pháp trải qua, nên tuy chia thành 4 xóm nhưng vẫn chung 1 làng. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phong cho biết thêm: Người làng Cổ Pháp chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa, màu, trong khi đó đất sản xuất nông nghiệp hạn chế, trung bình mỗi nhân khẩu có 1 sào đất trồng 2 lúa, 1 vụ màu, nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Cũng vì khó khăn, trong làng thường xuyên có gần 100 lao động phải tứ tán làm thuê bằng các nghề nặng nhọc như phụ hồ, gánh gạch. Hiện trong làng có hơn 60 hộ nghèo, gần 100 hộ cận nghèo.

 

Nhìn ra cánh đồng làng, ông Chinh suy tư bảo: Làng Cổ Pháp nghèo vì một thời gian dài nhân dân chúng tôi cứ lấn bấn với việc sản xuất lương thực bằng mọi giá. Nay thì khác, nông dân đang từng bước chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích như một số hộ mạnh dạn đưa đất vào trồng cà chua Nông Hữu, khoai tây Hà Lan... có sào đạt gần 5 triệu đồng/vụ.

 

Đi trên cánh đồng làng, nhìn hệ thống kênh mương được xây dựng chắc chắn, nước thong dong từ các kênh dẫn về ruộng tưới tắm cho mùa màng, chúng tôi biết người làng Cổ Pháp đã có nhiều cố gắng trong việc xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, 100% diện tích đất trồng, cấy của làng chủ động được nước tưới, năng suất lúa hằng năm đạt 200 kg/sào, nhưng vì đất sản xuất ít, bông lúa chưa cho đủ hạt nuôi người, nên người làng Cổ Pháp đang động viên nhau dành đất xây dựng vùng rau an toàn để cung cấp cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn của tỉnh. Đặc biệt, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư cho phát triển chăn nuôi hàng hóa. Ông Nguyễn Khắc Hỷ, 68 tuổi cho biết: Hiện trong làng có 10 hộ chăn nuôi gia cầm ở quy mô từ 5.000 đến 8.000 con; hơn 100 hộ chăn nuôi ở quy mô từ 40 đầu lợn trở lên, điển hình có hộ ông Trần Văn Ưng chăn nuôi hơn 100 đầu lợn/lứa.

 

Nói chuyện làm ăn, ông Luân cho biết thêm: Năm 2007 làng xóa xong nhà tạm; năm 2008 làng có 17 hộ thoát nghèo; năm 2009 làng phấn đấu giúp 20 hộ thoát nghèo. Cách làm của làng là tạo cho hộ nghèo có nhiều cơ hội tiếp cận được với vốn vay ưu đãi;  tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; phân công các hộ có kinh nghiệm sản xuất trực tiếp giúp đỡ… Ví như gia đình ông Nguyễn Văn Ánh, nhà nghèo do đông con, vợ đau yếu quanh năm, khi được bà con trong làng giúp đỡ ngày công lao động, tư vấn cho cách phát triển kinh tế gia đình, sau 3 năm (từ 2006 đến 2008) gia đình ông Ánh được chính quyền địa phương công nhận thoát nghèo. Hiện gia đình ông Ánh đã mở được 1 xưởng mộc, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương.

 

Xin trở lại câu chuyện với cụ Nguyễn Khắc Hân, cụ tự hào vì ở làng Cổ Pháp bây giờ đã có 1 người con thi đỗ tiến sĩ, 2 cháu là thạc sĩ, hơn 20 cháu là cử nhân và đang theo học tại các trường đại học. Nhưng điều cụ Hân day dứt là đình Gáo của làng bị phá để tiêu thổ kháng chiến từ năm 1947 đến nay vẫn chưa được phục dựng lại; 2 ngôi chùa Mãn Tăng và Hương Ấp chưa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh… Dừng lời giây lát, cụ Hân tiếp: Lo nhất là tấm Bằng Chính phủ công nhận làng Cổ Pháp là Làng có công với nước chưa có chỗ để. Cụ chỉ mong Nhà nước quan tâm, xây dựng cho làng một khu nhà văn hóa, để tấm Bằng vinh dự ấy được bảo tồn cho con cháu về sau.

 

Cổ Pháp - ngôi làng có tới 25 gia đình và cá nhân có công với nước, trong đó có 21 cá nhân, 4 gia đình, đặc biệt trong làng có 1 ngôi nhà được công nhận là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia; là Làng có công với đất nước bởi thế miền quê này xứng đáng được nhận một ngôi nhà văn hóa do Nhà nước đầu tư.