Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng từ hơn 30 năm nay, nhưng trên nhiều vùng quê của Việt Nam, trong tâm trí bao người lính tiếng đạn bom còn gào thét, bắt họ phải đương đầu với những nỗi đau - còn đau hơn mảnh đạn bom găm vào thân thể, vì đó là loại vũ khí không làm nạn nhân hy sinh, cứ âm thầm mai phục bên trái tim, làm cho gia đình họ đau đớn khi phải sinh ra những đứa con tật nguyền.
Trở về từ chiến trường miền Nam, cựu chiến binh Hoàng Văn Thoòng, xóm Đồng Tác, xã Tràng Xá (Võ Nhai) không phải mang vết đạn trên thân thể như nhiều đồng đội khác. Nhưng chính bản thân ông cũng không thể ngờ rằng, di hại của chiến tranh đã theo ông về tận ngôi làng nhỏ bé nằm trong lũng núi. Song tận khi 4 người con do vợ chồng ông sinh ra, thì 3 người mắc chứng thiểu năng trí tuệ, bản thân ông cũng bị giảm dần trí nhớ. Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Nguyễn Hữu Ưa cho biết: Hiện xã có 60 trường hợp đang hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 10 trường hợp hưởng gián tiếp. Mỗi người có một biểu hiện như khắp người nổi mụn ngứa, chân tay teo tóp, đau đầu, tức ngực... tội nghiệp nhất là những đứa trẻ - con của nạn nhân chất độc da cam, chúng chưa bao giờ biết đến chiến tranh, nhưng lại phải chịu hậu quả nặng nề, nhiều cháu được sinh ra, nhưng chưa một ngày được làm người.
Ngay trụ sở UBND xã Tràng Xá, chúng tôi được mọi người kể cho nghe câu chuyện của 2 người lính, đó là ngày 2 thanh niên Hoàng Văn Thoòng, ở xóm Đồng Tác và Bế Văn Tỵ, ở xóm Đồng Ruộng vào bộ đội, rồi gặp nhau ở Khe Sanh (Quảng Trị), họ ôm chầm lấy nhau, gọi nhau là đồng hương vì cả 2 người cùng ở xã Tràng Xá. Nhưng giờ gặp lại nhau, cả 2 ngơ ngác như người xa lạ. Đau đớn hơn, cả 2 người trở về từ mặt trận, khi xây dựng hạnh phúc đều phải sinh ra những người con dị dạng tâm hồn. Khi đến thăm gia đình các nạn nhân này, ông Hoàng Hà Long, Chánh Văn phòng Hội Nạn nhân chất độc da cam - Dioxin Thái Nguyên nói với chúng tôi như tâm sự: Với người lớn đã đau đớn lắm, nhưng với các cháu thì khác nào “mắc tội trời đày”. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.000 trường hợp là con của cựu chiến binh đang hưởng trợ cấp chế độ nạn nhân chất độc da cam, đồng nghĩa với việc có hơn 1.000 nỗi đau con trẻ.
Anh Hoàng Văn Thanh, hơn 30 tuổi, ở xóm Na Mấn, xã Phú Cường (Đại Từ) không ngại ngần cởi chiếc áo sơ mi cũ đang mặc để cho mọi người xem những mảng mụn cóc, dày dịt, nhức ngứa. Anh bị triệu chứng này từ hơn 10 năm nay, còn bây giờ những mảng mụn ngứa mọc gần kín người. Anh cho biết: Là một cựu chiến binh, bố tôi cũng có mặt trong đoàn quân
Đã nhiều lần đến với các nạn nhân chất độc da cam, được nghe những người thân trong gia đình nạn nhân như anh Thanh nói về bố với đầy niềm tự hào. Cảm động hơn khi được nghe bà Trần Thị Tẻo, xóm An Long, xã Bình Long, vợ nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Văn Dụ rãi bày: Giá như ông trời san sẻ cho tôi một nửa nỗi đau đớn của ông ấy; hoặc cho tôi phải chịu đựng tất cả những bệnh tật của các con, cháu trong nhà thì đau đớn mấy, khổ cực mấy tôi cũng cam lòng... Còn ông Dụ rề rà bảo: Tôi đi bộ đội năm 1973, xuất ngũ năm 1975, hơn 2 năm trong quân ngũ, tôi cùng đơn vị hành quân qua những khu rừng bị chất hóa học làm rụng lá, chúng tôi không hề hay biết đó là thứ chất độc quái ác đến như thế này. Năm 1976, vợ chồng tôi sinh cháu Nguyễn Thị Lan. Năm 1978, vợ chồng tôi sinh thêm cháu Nguyễn Văn Sông, cả 2 đứa đầu óc đều không được bình thường, lúc mới hơn 20 tuổi, răng của các cháu đã bắt đầu rụng.
Nhìn Lan ngơ ngác, vô cảm, bà Tẻo bảo: Nó đi lấy chồng, uống hết mấy thúng thuốc Bắc nhưng vẫn không sinh được con, vợ chồng tôi không biết nên vui hay buồn vì chuyện đó... Chợt ông Dụ gọi mọi người trong nhà... tập hợp thành hàng 2, rồi bảo: Tôi đi giám định, bác sĩ kết luận bị mất 81% sức khỏe. Con gái tôi, cháu Lan bị giảm thiểu năng trí tuệ, vô sinh; con trai tôi, cháu Sông cũng bị giảm thiểu năng trí tuệ. Sông lấy vợ sinh được 2 đứa con là Nguyễn Văn Thịnh, sinh năm 2003 và Nguyễn Văn Nam, sinh năm 2006, cả Nam và Thịnh đang đi giải ra thứ nước đục như nước vo gạo (?).
Bác sĩ Hoàng Đức, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam - Dioxin tỉnh cho biết: Thấy các cháu có khuôn mặt ngờ nghệch, vô cảm, có cháu suốt ngày gào thét trong lồng cũi như con thú hoang, tôi cảm nhận như mình đang bị từng mũi kim chích vào gan ruột... Ông Đức lật giở cho tôi xem cuốn nhật ký Da cam - Dioxin, bằng chứng tố cáo tội ác do Quân đội Mỹ gieo rắc xuống đất nước Việt Nam: Đây, cháu Lương Văn Vấn, sinh năm 1973, con nạn nhân chất độc da cam Lương Văn Hoa, ở xóm Trước, xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên), các đầu xương khớp bị lồi ra, khiến cháu trở thành một hình người dị dạng, đi lại hết sức khó khăn. 2 chị em gái Dương Thị Nguyên, sinh năm 1973 và Dương Thị Lãm, sinh năm 1982, con gái nạn nhân chất độc da cam Dương Văn Trụ, ở xóm Đồng Cạn, xã Mỹ Yên (Đại Từ), cả 2 chị em đều bị mù bẩm sinh. Còn cháu Nông Thị Hậu, sinh năm 1976, con nạn nhân chất độc da cam Nông Đình Chản, ở bản Giáo, xã Điềm Mặc (Định Hóa), bị dị dạng, hơn 30 tuổi nhưng cháu Hậu chỉ nhỏ như đứa trẻ lên 5... Hàng trăm trường hợp đau lòng được tập hợp trong cuốn nhật ký của Hội, mỗi trường, một thân phận lại có biểu cảm riêng về nỗi đau… Những hình ảnh về hình hài con người bị méo mó, dị dạng ấy chính là một căn cứ, lời cáo trạng về tội ác của Quân đội Mỹ đã gieo rắc nỗi đau và cái chết xuống đất nước Việt