Hiến đất làm đường ở Thành Công

08:48, 29/08/2009

Nối tiếp chương trình vận động nhân dân hiến gần 32 nghìn m2 đất cho giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn Long Thành - Đèo Nhe, xã Thành Công (Phổ Yên) tiếp tục vận động hiến đất để làm hai tuyến đường nối liền trung tâm xã với các xóm giáp ranh Hà Nội và Vĩnh Phúc.

Từ sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền xã, đã có thêm gần 300 hộ dân đã tự nguyện hiến trên 20 nghìn m2 đất để mở rộng gần 8km đường nông thôn.

 

Từ gần một năm nay, chuyện làm đường giao thông nông thôn là đề tài thời sự nóng bỏng nhất ở xã Thành công. Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã  cho biết: với người dân, kiên cố những tuyến đường giao thông nông thôn đặc biệt có ý nghĩa để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, hầu hết các tuyến đường giao thương của người dân Thành Công với các địa phương khác đều chưa được kiên cố hóa. Vì thế  từ đầu năm, tuyến đường giao thông nông thôn Long Thành - Đèo Nhe (nằm trong Dự án Giao thông nông thôn 3 tỉnh Thái Nguyên) đã thu hút được đông đảo nhân dân hiến đất. Trong gần 1 tháng, 226 hộ dân đã tình nguyện hiến gần 32 nghìn m2 đất để giải phóng mặt bằng tuyến đường. Mới đây, huyện Phổ Yên đã đồng ý cho xã mở rộng và kiên cố tuyến đường Gò Đồn - Ao Sen và tuyến đường Long Thành - Ngòi Mèn. Tổng chiều dài cả hai tuyến gần 8km, chiều rộng làn đường từ 6 đến 7m và chiều rộng mặt đường bê tông là 3,5m. Kinh phí giai đoạn 1 của Dự án là gần 1 tỷ đồng từ nguồn vốn kích cầu của Chính phủ dành cho san lấp, đổ cấp phối toàn tuyến và đổ bê tông một phần nhỏ của tuyến đường.

 

Đầu tháng 7/2009, xã Thành Công đã thành lập hai Ban Vận động hiến đất cho hai tuyến đường và do chủ tịch, phó chủ tịch làm trưởng ban đồng thời huy động hơn một nửa cán bộ Đảng ủy, UBND xã làm thành viên. Trực tiếp các Trưởng ban chủ trì vận động từng hộ gia đình hiến đất. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, các thành viên Ban Vận động đều tự nguyện hiến hoặc vận động người thân hiến đất trước.

 

Tiêu biểu phải kể đến ông Dương Huy Vọng, Trưởng Công an xã Thành Công. Ông Vọng đã tự nguyện hiến gần 100m2 đất phục vụ giải phóng mặt bằng tuyến đường Gò Đồn - Ao Sen. Trước đó, ông Vọng cũng hiến 4,9 nghìn m2 đất cho giải phóng mặt bằng Dự án đường Long Thành - Đèo Nhe. Từ việc một số cán bộ, đảng viên tiên phong hiến hàng nghìn m2 đất đã góp phần làm dấy lên phong trào hiến đất ở các xóm có tuyến đường đi qua. Một số người dân mặc dù không sinh sống dọc tuyến đường nhưng có diện tích đất bị ảnh hưởng cũng tình nguyện hiến đất làm đường.

 

Tuyến đường Gò Đồn - Ao Sen dài gần 5km  hiện vẫn đang còn lầy lội, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tuyến đường này được mở rộng sẽ ảnh hưởng tới đất của gần 180 hộ dân. Riêng Ao Sen là xóm có chiều dài mặt đường lớn nhất là gần 2km với gần 30 hộ bị ảnh hưởng. Ông Lưu Văn Lý, Trưởng xóm Ao Sen cho biết, tuyến đường từ trung tâm xã đến xóm lầy lội ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân ở đây. Ao Sen có 217 hộ hầu hết là dân tộc Sán Dìu. Cả xóm có gần 40 ha chè với sản lượng khá lớn nhưng người dân vẫn thường bị tư thương ép giá với lý do đường sá không thuận tiện. Không chỉ có chè mà ngay cả lúa, gạo, hoa quả… người dân ở đây vẫn thường bán thấp hơn nơi khác. Trong khi đó, giá cả vật tư nông nghiệp, hàng hóa về đến xóm lại cao. Tuy nhiên, theo ông Lý thì gian nan nhất vẫn là chuyện học hành của con trẻ. Hầu hết trẻ ở đây đến tuổi học THPT là bỏ học vì để đến trường các em phải đi trên 15km ra thị trấn Ba Hàng để học. Đường sá lầy lội như thế này thì rất khó để các em có thể đi học hằng ngày. Hơn nữa, cũng rất ít gia đình đủ điều kiện cho con đi ở trọ vì vậy mà tỷ lệ người dân có trình độ THPT trong xóm rất thấp.

 

Khi chủ trương của xã vận động nhân dân hiến đất được đưa ra, đông đảo người dân Ao Sen đã nhiệt tình hưởng ứng. Bí thư Chi bộ Ao Sen Dương Văn Hồng cho biết, mặc dù hầu hết người dân ủng hộ nhưng xóm cũng xác định các đảng viên trong chi bộ phải là người đi đầu thì công tác vận động mới đạt kết quả cao. Chi bộ đứng ra vận động các đảng viên cam kết hiến đất trước tiên. Qua những tấm gương đảng viên hiến đất như: ông Đặng Văn Sáu, ông Lưu Kim Thanh, ông Lưu Văn Lý… đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia hiến đất. Chỉ trong 3 ngày, Ban Vận động hiến đất đã vận động được toàn bộ các hộ bị ảnh hưởng hiến đất. Ông Lưu Kim Thanh cho biết: “Tôi xem đây là trách nhiệm của mình để vận động quần chúng làm theo. Hơn nữa, bản thân mình và gia đình cũng sẽ được hưởng lợi từ Dự án”. Còn ông Lưu Quốc Lý, dân tộc Sán Dìu cam kết hiến gần 360m2 đất nông nghiệp để làm đường giao thông cho biết: “Tôi rất mong huyện và xã sớm hoàn thành tuyến đường để năm 2010 con tôi vào THPT mà không phải bỏ học.”

 

Cũng nằm bên tuyến đường Gò Đồn - Ao Sen, xóm Đanh có 78 hộ thì có tới 54 hộ có diện tích đất bị ảnh hưởng trong đó có 14 hộ nghèo. Được tuyên truyền về lợi ích của tuyến đường, hầu hết các gia đình đều hiểu và tự nguyện cam kết hiến đất. Với một số hộ còn băn khoăn, trực tiếp Phó Chủ tịch xã Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng ban Vận động hiến đất đến nhà để tuyên truyền và vận động các hộ hiến đất. Hộ ông Hà Văn Sệ là một hộ tiêu biểu trong số đó. Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của xóm. Ông Sệ có 100m2  dọc đường Gò Đồn - Ao Sen dự định làm nhà cho con ra ở riêng. Chính vì vậy khi được vận động hiến diện tích đất trên, ông hết sức băn khoăn. Tuy nhiên khi được phân tích cụ thể về lợi ích của tuyến đường với hàng trăm hộ dân trong xã, ông Sệ đã đồng ý tình nguyện hiến đất. “Vì lợi ích chung của bà con, mà phải ở chật một chút thì gia đình tôi cũng thấy vui lòng” - ông Hà Văn Sệ cho biết. Cùng với gia đình ông Sệ, 53 hộ gia đình khác trong xóm hiện cũng đã ký cam kết hiến đất và một số hộ đã di dời công trình, cây trồng bàn giao mặt bằng cho xã san lấp.

 

Về kinh nghiệm vận động nhân dân hiến đất làm đường, ông Dương Đình Sáu cho biết, để đạt được kết quả trên là do Đảng bộ xã nhận thức sâu sắc phương pháp làm việc “Từ trong quần chúng mà ra. Về sâu trong quần chúng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Với phương pháp đó, chúng tôi xác định là những việc làm đều phải phù hợp với ý muốn, tình hình thiết thực của nhân dân. Có như vậy phong trào hiến đất mới nhận được sự hưởng ứng của tất cả người dân”.