Khó khăn trong công tác kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm

08:23, 04/08/2009

Lâu nay, công tác kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm được ví như một "hàng rào kỹ thuật" giúp ngành Y tế kiểm soát chất lượng của các loại thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe nhân dân. Nhiệm vụ quan trọng là vậy nhưng hiện nay Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm của tỉnh đã không ít lần đành “bó tay”, để nhiều loại dược phẩm, mỹ phẩm nằm ngoài tầm kiểm soát do thiếu trang thiết bị hoạt động.

 

Cách đây hơn 40 năm, Trạm nghiên cứu dược liệu và kiểm nghiệm Dược phẩm Bắc Thái (tiền thân của Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm Thái Nguyên hiện nay) được thành lập. Trong những năm đầu, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, trang thiết bị thiếu thốn nhưng Trạm đã cố gắng tìm tòi, nghiên cứu các loại dược liệu ứng dụng trong sản xuất dược phẩm, phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát các mặt hàng thuốc lưu hành trên thị trường, góp phần bảo đảm sức khỏe cho người dân. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, ngày 01/8/2000, Trạm được nâng cấp lên thành Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm trực thuộc Sở Y tế với nhiệm vụ chính là: Kiểm nghiệm và nghiên cứu kiểm nghiệm các loại thuốc, nguyên liệu, dược liệu qua các khâu thu mua, sản xuất, pha chế bảo quản phân phối do các cơ sở gửi tới hoặc lấy về kiểm tra; xây dựng, chỉ đạo, hướng dẫn về mặt kỹ thuật nghiệp vụ cho mạng lưới kiểm soát, kiểm nghiệm trong phạm vi toàn tỉnh; Tổ chức nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt các tiêu chuẩn kỹ thuật cấp địa phương và cấp công ty, tổ chức việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật ở các cơ sở trên địa bàn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật đó…

 

9 năm đã qua, nhưng đến nay, trao đổi với chúng tôi, ông Chu Văn Bình, Giám đốc Trung tâm vẫn thẳng thắn thừa nhận: Với trang thiết bị và cơ sở vật chất hạ tầng như hiện nay, chúng tôi rất khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Về nhân lực, Trung tâm hiện có 14 cán bộ (trong đó 8 dược sĩ có trình độ đại học và trên đại học, 02 dược sĩ trung học, 04 cán bộ khác); với đội ngũ nhân lực như vậy, Trung tâm được đánh giá thuộc diện mạnh so với nhiều trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm khác trong cả nước, đủ sức thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Mạnh về nhân lực nhưng thiếu thiết bị nên công việc chuyên môn bị hạn chế nhiều, cơ sở làm việc của Trung tâm  có tổng diện tích 300 m2, được tiếp nhận, cải tạo từ cơ sở làm việc cũ của Bảo hiểm xã hội Thành phố Thái Nguyên nên các phòng làm việc không phù hợp để triển khai công tác chuyên môn, hiện tại Trung tâm mới chỉ triển khai được 02 phòng đó là: phòng Tổ chức hành chính - Kế hoạch; phòng chuyên môn chung (gộp các phòng hóa lý, đông dược, dược liệu); chưa triển khai được kỹ thuật vi sinh, kiểm nghiệm mỹ phẩm…

 

Năm 2007, trung tâm mới được trang bị máy Quang phổ tử ngoại khả kiến; năm 2008 được trang bị thêm máy thử độ tan rã, máy quay ly tâm; các loại thiết bị khác như: Tủ sấy, cân xác định độ ẩm, cân điện tử, máy lắc siêu âm, máy đo PH… đều được trang bị trước năm 2006, đến nay, một số thiết bị không còn sử dụng được. Các thiết bị bảo hộ thông thường trong phòng kiểm nghiệm như: Tủ hút khí độc, máy lọc khí vô trùng đều chưa được trang bị (cuối năm 2008, trung tâm đã cho lắp đặt Tủ hút khí độc tại phòng hóa lý nhưng do chưa bố trí được kinh phí nên vẫn phải niêm phong tại phòng, chưa đưa vào sử dụng). Hiện nay khả năng triển khai kỹ thuật kiểm nghiệm của trung tâm còn rất hạn chế, số hoạt chất kiểm nghiệm được mới dừng ở con số 91 hoạt chất, trong khi đó trên thị trường có vài trăm, thậm chí hàng ngàn hoạt chất đang lưu hành, do đó Trung tâm không đánh giá tổng quát được về chất lượng thuốc trên thị trường; do thiếu phương tiện kỹ thuật và chất chuẩn, chất đối chiếu nên hầu hết các thuốc đa thành phần chưa kiểm nghiệm được. Trong 6 tháng đầu năm 2009, Trung tâm đã lấy 213 mẫu để giám sát và kiểm tra chất lượng, tuy nhiên các mẫu kiểm nghiệm này chỉ tập trung ở thành phố, thị xã, nông thôn (vùng đồng bằng, trung du, thị trấn), không có bất cứ mẫu nào được lấy ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa (lý do là không có xe ô tô để đưa cán bộ của Trung tâm đi lấy mẫu..?).

 

Thiếu trang thiết bị nên dù có chức năng hoạt động nhưng Trung tâm đành "bó tay" vì không có cách nào để làm, đơn cử như đối với lĩnh vực kiểm tra các loại mỹ phẩm. Hiện nay mặt hàng này có rất nhiều loại đang được bán trên thị trường, trong đó đã xuất hiện nhiều loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm nhái theo hàng chính hãng, không ít người dân khi sử dụng đã bị dị ứng, mẩn ngứa gây tác hại không nhỏ đến sức khỏe. Vì không có thiết bị để kiểm nghiệm nên đối với loại mặt hàng này, Trung tâm chỉ kiểm tra bằng cảm quan, xem hạn sử dụng, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ thông qua hóa đơn xuất, nhập hàng, nếu có nghi ngờ cũng đành chịu vì không có đủ thiết bị để kiểm nghiệm.

 

Theo ông Nguyễn Quý Thơ, Phó giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên thì hoạt động kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm, nhất là công tác lấy mẫu giám sát đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh rất quan trọng đối với ngành Y tế, nó được ví như một "hàng rào kỹ thuật" giúp ngành Y tế kiểm soát được chất lượng thuốc trên thị trường, qua đó góp phần bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng. Hiện nay trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều loại dược phẩm, mỹ phẩm thì hoạt động của Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm càng phải được nâng lên. Việc đầu tư nguồn lực, trang thiết bị cho Trung tâm là việc làm cần thiết để trung tâm hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, đó cũng là góp phần thực hiện thắng lợi tinh thần Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về việc phát triển Thái Nguyên thành trung tâm kinh tế, giáo dục, y tế của vùng.