Sáng 9/8, bệnh nhân Nguyễn Thị Phúc, trú tại tổ 2, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) đã được chuyển vào khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên để điều trị, cách ly sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với Cúm A (H1N1).
Bác sỹ Ma Văn Xuân, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết: Đến trưa ngày 10/8, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, các triệu chứng ho, sốt, đau cơ… giảm, tiên lượng bệnh nhân sẽ hồi phục tốt, hiện tại bệnh nhân đang được cách ly và điều trị theo đúng phác đồ do Bộ Y tế quy định.
Trước đó, ngày 7/8, ngay sau khi phát hiện các triệu chứng liên quan đến bệnh Cúm A (H1N1) trên bệnh nhân Phúc, 5 trường hợp là người nhà đã tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đã được cách ly tại nhà và dùng thuốc điều trị dự phòng bằng Tamiflu. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên đã tiến hành khử trùng, tiêu độc nhiều lần tại nhà bệnh nhân và khu vực lân cận, theo dõi sát diễn biến sức khỏe của người nhà bệnh nhân để có phương án xử lý kịp thời. Hiện tại chưa phát hiện thêm bệnh nhân nhiễm Cúm A (H1N1) nào, mẫu bệnh phẩm của 5 người nhà bệnh nhân Phúc cũng đã được chuyển xuống Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm, nhưng hiện tại vẫn chưa có kết quả trả lời của Viện. Công tác tuyên truyền, phổ biến cách phòng, chống bệnh Cúm A (H1N1) đang được các cơ quan chức năng tăng cường thực hiện trên địa bàn phường Túc Duyên và T.P Thái Nguyên.
Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Hoàng Anh, quyền Trưởng khoa dịch tễ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Cúm A (H1N1) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virut Cúm A (H1N1) gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với virut từ người bệnh thông qua dịch hắt hơi, sổ mũi trong thời gian 1 ngày trước đến 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng. Bệnh có các triệu chứng: sốt trên 38 độ C, viêm đường hô hấp, đau họng, ho khan hoặc có đờm, đau đầu hoặc đau cơ, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy… Bệnh có thể diễn biến nặng gây viêm phổi, suy hô hấp, suy đa phủ tạng và dẫn đến tử vong.
Theo ý kiến của bác sĩ Hoàng Anh, nếu để bệnh lây lan trên diện rộng sẽ rất khó kiểm soát, các virut sẽ có những biến thể mới gây nhiều khó khăn trong quá trình điều trị, vì thế việc cách ly, điều trị cho bệnh nhân và xử lý môi trường là khâu rất quan trọng. Nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi, người dân không được chủ quan đối với bệnh Cúm A (H1N1), tuy nhiên cũng đừng quá hoang mang khi thấy có bệnh nhân nhiễm Cúm A (H1N1) trên địa bàn. Có thể phòng bệnh thông qua rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; súc miệng bằng nước sát khuẩn, đeo khẩu trang ở nơi đông người; làm thông thoáng nơi ở, sinh hoạt… Nếu có triệu chứng ho, sốt cao, đau đầu, mệt mỏi mà đi từ vùng có dịch ở trong và ngoài nước về cần khai báo ngay với cơ quan y tế để được cách ly, điều trị sớm.