Mẹ đã sống vì các con…

16:30, 17/08/2009

Người đàn bà ngồi trước mặt tôi - một cựu thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ, trông gầy guộc và khắc khổ, trong đôi mắt thâm quầng hằn sâu dấu ấn của thời gian, dòng lệ không ngừng tuôn rơi vì quá khứ tưởng đã đào sâu chôn chặt, nay lại ùa về.

 

Đã 22 năm trôi qua, bà đã ở vậy một mình vượt qua bao gian truân của cuộc sống để nuôi các con ăn học thành người. Thời  gian vùn vụt trôi, ngoảnh đi ngoảnh lại tuổi xuân của bà đã trôi qua từ lúc nào, nay tóc đã điểm sương bà mới cảm nhận được hai từ hạnh phúc. Hạnh phúc mà những đứa con đã mang lại cho bà. Dẫu muộn màng, nhưng bà bảo: Đó là sự đền đáp xứng đáng so với những vất vả, nhọc nhằn tôi đã trải qua! Hai người con của bà đã từ nghèo khó vươn lên học tập giỏi, đều thi đỗ vào các trường đại học có tiếng (cháu gái lớn mới tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học tự nhiên, đã xin được việc làm ổn định; cháu trai thứ hai đang học Đại học Xây dựng). Nhà tuy vẫn còn nghèo, nhưng bà thấy vui vẻ và mãn nguyện trước sự thành đạt của các con.

 

Trong ngôi nhà rộng có 15 m2, ở tổ 12, phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên, bà Lê Thị Mỵ đã kể cho tôi nghe về quãng đời lam lũ, nhọc nhằn mà bà đã trải qua, gồng gánh một mình nuôi các con ăn học. 22 năm trước, vì thói ham mê cờ bạc và phải lòng người đàn bà khác, bà Mỵ đã bị chồng ruồng rẫy, đuổi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Không nhà, không tiền, bà đã phải tìm đến nhà những người quen ở xóm Ba Cống, xã Tân Cương để ở nhờ và tìm việc làm thuê làm mướn lần hồi qua ngày. Bà không từ nan bất kỳ một việc gì từ buôn mít, buôn chuối, bán rau, bán cá, đi hái chè thuê, rồi việc đi mua chó thịt bán lại cho các nhà hàng… để kiếm lời nuôi 2 con ăn học.

 

Bà Mỵ tâm sự: Lúc đó không có xe đạp, ngày ngày tôi phải đi bộ ra tận chợ Thái mua hàng, rồi gánh vào tận xóm Ba Cống để bán, cả đi cả về mất chừng gần 30 cây số. Không đêm nào tôi ngủ ngon giấc, cứ giật mình thon thót vì nghĩ đến ngày mai sẽ ra sao, có đủ gạo cho các con ăn hay không. Sức con người có hạn, lao động quá vất vả đã khiến bà Mỵ kiệt sức, bà đã phải đi nằm viện mất 3 tháng trời, không ăn, không nói được. Mọi giao tiếp đều thông qua mảnh giấy và cây bút. Đó là quãng thời gian tuyệt vọng nhất trong cuộc đời mà bà tưởng không thể vượt qua được. Các con bà Mỵ thường xuyên phải đi mót khoai, mót sắn chèo chống qua cơn đói khát. Còn bà phải nhờ vào sự cưu mang của những người cùng phòng bệnh. Bà nói trong nghẹn ngào: Năm đó là năm 1999, tôi phải vào nằm điều trị ở khoa cấp cứu, Bệnh viện Lao. Những bệnh nhân cùng phòng thấy tôi nghèo khổ, họ đã san sẻ cơm canh cho tôi. Có một bệnh nhân mà tôi chưa kịp biết tên đã cho tôi vay 10 bát gạo để mang về cho các con tôi ăn, đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm được người bệnh nhân đó để tạ ơn. Chỉ biết nhà người đó ở huyện Đại Từ, chú ấy bị bệnh lao xương cột sống. Nằm điều trị trong bệnh viện, mà ruột gan tôi lúc nào cũng như có lửa đốt vì lo lắng cho các con. Tôi nhớ mãi câu nói của con gái tôi: Dù khó khăn thế nào mẹ cũng cố gắng cho con được đi học mẹ nhé! Trong niềm vui hôm nay tôi không bao giờ quên ơn những người tốt đã chở che, giúp đỡ mẹ con tôi vượt qua khó khăn. Bà Mỵ đã hy sinh 22 năm tuổi thanh xuân của cuộc đời mình cho các con mà không nghĩ đến hạnh phúc riêng tư. Đền đáp công ơn của mẹ, các con bà đều chăm ngoan, học giỏi, thành đạt.

 

Trong ngôi nhà bé nhỏ dẫu chưa đủ đầy về vật chất, nhưng lòng người mẹ luôn cảm thấy mãn nguyện, tự hào về sự trưởng thành và kết quả học tập của các con. Đó mới chính là tài sản vô giá mà không phải người mẹ nào cũng có được.