Đã có nhiều người dân làm giàu từ khai thác thông tin trên mạng Internet. Song với Thái Nguyên, việc tiếp cận với Internet đối với người dân nói chung và người nông dân nói riêng còn khá xa lạ. Bởi họ ít có điều kiện để trang bị máy tính, lắp đặt đường truyền. Hơn nữa, sau mỗi ngày lao động mệt nhọc, họ thường có thói quen nghỉ ngơi.
Để thay đổi thói quen này của người dân, đồng thời giúp họ có được nhiều thông tin qua việc sử dụng máy tính và truy cập Internet, Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation (BMGF) đã triển khai dự án "Thí điểm nâng cao hiệu quả sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Thái Nguyên". Thông qua dự án, người dân ở nông thôn Thái Nguyên sẽ tìm kiếm các thông tin, từ đó quyết định đúng đắn việc nuôi con gì, trồng cây gì, thời gian và nơi bán sản phẩm có lợi nhất. Theo ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: "Mọi sự đổi mới đều bắt đầu từ nhận thức, nhận thức cho người dân thông qua việc đưa Internet về nông thôn, nơi có hơn 70% dân cư sinh sống là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Việc xây dựng các điểm truy cập viên thông công cộng nói chung, hệ thống điểm bưu điện văn hóa xã nói riêng phát triển bền vững, trở thành điểm sáng văn hóa và là ngôi nhà chung của người dân ở nông thôn là sự nghiệp chung, cần thiết và lâu dài…".
Với mục tiêu trên, dự án triển khai các nội dung: Trang bị máy tính tại 33 điểm truy cập bưu điện văn hóa xã (BĐVHX), thư viện bệnh viện, thư viện trường học. Mỗi điểm sẽ được trang bị từ 5-20 máy tính, 1 máy in và các trang thiết bị đi kèm… để nhân dân có thể truy cập Internet miễn phí. Đặc biệt, dự án rất chú trọng đến công tác đào tạo, tạo cơ hội để người dân sử dụng máy tính và truy cập Internet thành thạo. Theo kế hoạch, từ ngày 20/7/2009, dự án sẽ tổ chức các khóa đào tạo với hàng nghìn lượt người (gồm cán bộ thư viện, cán bộ bưu điện văn hóa xã, cán bộ và nhân dân các xã hưởng lợi) sẽ được học tập, bồi dưỡng những kiến thức để truy cập Internet, cách khai thác thông tin trên mạng.
Trong số những người tham dự khóa học, dự án rất chú trọng đến các thành viên là người dân và nông dân ở những xã vùng nông thôn, vùng sâu xa của tỉnh như: Yên Ninh, Ôn Lương, Tức Tranh (Phú Lương); Hợp Tiến (Đồng Hỷ); Tràng Xá, Dân Tiến, Lâu Thượng, Cúc Đường, Bình Long (Võ Nhai)… Đây là những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp, họ sẽ tiếp thu, áp dụng những kiến thức đã được học để khai thác thông tin, áp dụng vào thực tiễn lao động, sản xuất. Vì vậy, dự án sẽ áp dụng nhiều phương pháp đào tạo để họ dễ tiếp thu: Trực tiếp, gián tiếp, hỗ trợ từ xa…
Sau khi tham gia các khóa đào tạo, mỗi học viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về tin học: Giới thiệu về công nghệ thông tin; các loại máy tính thông dụng và những thành phần cơ bản của máy tính, máy in; một số phần mềm ứng dụng; kỹ năng soạn thảo văn bản; kỹ năng sử dụng máy tính và truy cập Internet… từ đó giúp học viên sử dụng thành thạo máy tính, đặc biệt là khai thác thông tin trên mạng.
Đối với người nông dân ở vùng sâu vùng xa, đây là một dự án có nhiều triển vọng, bởi vậy khi biết được những thông tin này người dân rất phấn khởi, họ đã sẵn sàng để tham gia các khóa học với tinh thần học tập nghiêm túc góp phần thực hiện thành công dự án cũng như thay đổi cuộc sống của chính bản thân mình.