Thuốc Tamiflu có hiệu quả điều trị bệnh nhân trong 24 giờ kể từ khi bệnh khởi phát. Nếu chờ có kết quả xét nghiệm mới tiến hành điều trị sẽ làm tăng nguy cơ tử vong của bệnh nhân
Trong Hội nghị giao ban về công tác khám chữa bệnh, do Bộ Y tế tổ chức sáng 25-8 tại Hà Nội, Tiến sỹ Lý Ngọc Kính, Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh đã nhấn mạnh: Những bệnh nhân khi nhập viện, có biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm A/H1N1 phải được điều trị ngay chứ không chờ kết quả xét nghiệm.
Tiến sỹ Lý Ngọc Kính cho biết: Thuốc Tamiflu có hiệu quả điều trị bệnh nhân trong 24 giờ kể từ khi bệnh khởi phát. Nếu chờ có kết quả xét nghiệm mới tiến hành điều trị sẽ làm tăng nguy cơ tử vong của bệnh nhân, nhất là đối với những bệnh nhân nhập viện muộn. 2 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 và bị tử vong xảy ra ở nước ta cũng chính là do nguyên nhân nhập viện muộn…
Qua thực tế điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế nước ta đã sửa đổi một số điểm trong phác đồ điều trị có hiệu quả hơn. Tiến sỹ Lý Ngọc Kính nói: “Trước đây quy định bệnh nhân hết sốt sau 5 ngày và xét nghiệm âm tính mới cho ra viện. Bây giờ bệnh nhân hết sốt sau 3 ngày, có điều kiện xét nghiệm thì xét nghiệm lại. Ở những tỉnh không có máy xét nghiệm, thì nếu có yếu tố nguy cơ hoặc các triệu chứng lâm sàng cúm A/H1N1 thì tiến hàng điều trị mà không nhất thiết phải chờ kết quả xét nghiệm.
Sẽ không để thiếu Tamiflu trong điều trị cúm A (H1N1)
Bộ Y tế cho biết: Ngày 25/8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 69 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1), trong đó, miền Nam có 55 ca, miền Bắc 12 ca và miền Trung 2 ca. Như vậy, tính đến 17h ngày 25/8, cả nước đã ghi nhận 2142 trường hợp dương tính, 2 ca tử vong.
Số bệnh nhân đã khỏi bệnh, trở về gia đình là 1228 người, 912 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Trước hiện tượng nhiều người dân mua thuốc Tamiflu dự trữ tại nhà, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường Nguyễn Huy Nga khuyến cáo: Thuốc Tamiflu dùng để điều trị cúm A (H1N1) nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ và được cấp miễn phí tại các cơ sở y tế nhà nước. Bộ Y tế khẳng định không để thiếu thuốc Tamiflu cho nhân dân bị bệnh khi được điều trị tại các cơ sở y tế nhà nước. Do vậy, người dân không nên tự ý mua thuốc kháng vi rút để điều trị tại nhà, vì sẽ gây tình trạng kháng thuốc.
Trường hợp người dân có chỉ định dùng thuốc theo hướng dẫn của các cơ sở y tế tư nhân hoặc theo nhu cầu cá nhân cần dự phòng trong các trường hợp đi công tác xa có thể mua tại các hiệu thuốc với giá thuốc đã được niêm yết công khai trên Trang tin điện tử của Cục Quản lý Dược Việt Nam. Bộ Y tế nghiêm cấm các cơ sở bán thuốc lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá quá mức, nếu trường hợp vi phạm sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về việc giám sát dịch bệnh lây lan, ông nhận định: Từ trường hợp 55/185 nguời của Trường Cao đẳng du lịch Thành phố Hồ Chí Minh dương tính với cúm A (H1N1) khi đi du lịch xuyên Việt từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Lào Cai, có thể thấy, việc xử lý của Sở Y tế Hà Nội khi đưa cả đoàn về theo dõi giám sát và điều trị tại trường Bồi dưỡng cán bộ của Hội Nông dân tại Mai Dịch- Hà Nội là hợp lý. Vì số lượng người trong ổ dịch là khá lớn nên cần có khu cách ly riêng biệt để theo dõi giám sát và điều trị gần nhau, tiện xử lý, không lây lan ra cộng đồng. Nhờ đó, sau khi được điều trị theo đúng phác đồ, ngày 21/8, 55 trường hợp nhiễm cúm A (H1N1) trong đoàn đã cho kết quả xét nghiệm âm tính, trở về sinh hoạt bình thường tại cộng đồng.