Nhiều hộ dân xây nhà không phép, trái phép

10:48, 03/08/2009

Tháng 9/2008, xã Cao Ngạn (Đồng Hỷ) chính thức được sáp nhập về T.P Thái Nguyên và cũng từ thời điểm đó trên 1.750 hộ dân trong xã phải thực hiện các quy định về xây dựng các công trình trên đất dành cho đô thị trong đó có việc xây nhà phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp. Thế nhưng đã hơn một năm trôi qua, đến nay cả xã Cao Ngạn vẫn đang "trắng"  giấy phép xây dựng.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chị Phạm Thị Bích Liên, cán bộ địa chính xã cho biết: Trước đây Cao Ngạn là xã miền núi của huyện Đồng Hỷ nên nhân dân không phải xin cấp phép xây dựng nhà ở. Nhưng khi sáp nhập về T.P  Thái Nguyên, Cao Ngạn trở thành đất đô thị loại 2, do đó theo Điều 62 của Luật Xây dựng thì tất cả các công trình xây dựng trên đất đều phải có giấy phép mới được xây dựng. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, mặc dù chính  quyền thành phố và xã Cao Ngạn đã tuyên truyền về các quy định của Luật Xây dựng và vận động mọi người thực hiện, nhưng do thói quen và bảo thủ nên đa phần người dân vẫn thờ ơ với công tác này. Đầu năm 2009 mới có 4 hộ đến xã xin làm  thủ tục cấp phép xây dựng để có đủ thủ tục vay vốn ngân hàng nhưng khi cán bộ địa chính đến kiểm tra thì các hộ này đều không đủ điều kiện được cấp như xây dựng trên đất chưa chuyển đổi, xây dựng vi phạm hàng lang ATGT. Do đó, đến nay cả xã Cao Ngạn vẫn "trắng" giấy phép xây dựng.

 

Nói về công tác xử phạt, chị Liên lắc đầu "khó khăn lắm chị ạ. Xây dựng nhà không phép đã khó xử lý, còn đối với trường hợp xây nhà trái phép thì việc xử phạt cũng rất hạn chế. Nhiều hộ khi phát hiện ra, chúng tôi đến lập biên bản đình chỉ nhưng chỉ vài ngày sau họ lại xây tiếp và khi đến kiểm tra lần nữa thì họ đã vào ở, xử phạt hành chính thì có hộ nộp có hộ cố tình không nộp". Minh chứng cho điều này, chị dẫn chúng tôi đến hộ ông Nguyễn Văn Chi, xóm Quyết Thắng, một hộ xây nhà và quán bán hàng vi phạm hàng lang ATGT trên Quốc lộ 3 tuyến tránh T.P Thái Nguyên và xây trên đất khai hoang không có quyền sử dụng đất, khi chính quyền xã lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính thì gia đình không nộp phạt. Lý giải cho cái sai của mình ông Chi cho rằng đất này do gia đình khai hoang từ lâu đời và không tranh chấp với ai nên ông mới xây...

 

Hiện nay, dọc tuyến đường tránh chạy qua xã có khoảng trên 10 hộ nữa xây dựng nhà vi phạm hành lang ATGT. Đó là đất ngoài mặt đường, còn ở khu vực dân cư  thì tư duy "đất của nhà tôi, tôi xây" cũng đang còn ăn sâu vào suy nghĩ của  nhiều người dân. Anh Nguyễn Văn Cường, xóm Cổ Rùa, một hộ mới xây dựng nhà ở đầu năm 2009 cho biết: "Từ trước tới nay, chúng tôi nghĩ đất nhà mình thì mình xây, không tranh chấp với ai là được nên không ai nghĩ tới chuyện phải xin cấp phép xây dựng…". Cùng cách suy nghĩ với anh Cường nên đa phần người dân ở đây không mấy quan tâm khi cán bộ địa chính của xã đến tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục về việc xây nhà phải xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định.Theo thống kê của cán bộ địa chính xã đến nay xã Cao Ngạn có 27 hộ xây dựng nhà trái phép, riêng năm 2008 có 10 trường hợp.

 

Xã Cao Ngạn là một trong những địa phương của T.P Thái Nguyên có quy hoạch lớn với diện tích  trên 140 ha. Trên địa bàn xã hiện có 2 dự án đã được quy hoạch xây dựng là khu trung tâm xã và cụm công nghiệp Cao Ngạn. Do đó, việc người dân không có giấy phép xây dựng đối với các công trình bắt buộc phải có giấy phép đã, đang và  sẽ gây khó khăn rất nhiều cho việc kê khai tài sản để bồi thường giải phóng mặt bằng; khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai và với người dân khi cần vay vốn ngân hàng để phát triển sản suất mới thấy bị thiệt vì không có giấy phép xây dựng nhà nên chỉ được vay với số tiền rất thấp (bằng 20% giá trị đất thổ cư ghi trong bìa đỏ). Rõ ràng việc không xin phép khi xây dựng đã và đang mang lại những khó khăn cho cả Nhà nước và người dân. 

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Thăng Long, Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị T.P Thái Nguyên cho biết: " Đội đã cử cán bộ theo dõi địa bàn đến phối hợp với xã Cao Ngạn để lập kế hoạch tuyên truyền cho người dân về các văn bản, nghị định hướng dẫn của Nhà nước, tỉnh, thành phố liên quan đến lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng và cấp 1 băng castset để tuyên truyền về những quy định cần phải thực hiện liên quan  đến lĩnh vực xây dựng và đô thị đối với các tổ chức, cá nhân." Tuy nhiên, đến nay nhận thức của người dân về công tác này vẫn còn rất hạn chế.

 

Công tác quản lý đất đai và xây dựng đang là vấn đề được T.P Thái Nguyên quan tâm, nhất là khi Thành phố đang phấn đấu đạt các tiêu chí của đô thị loại 1 vào năm 2012. Do vậy, để công tác quản lý đất đai ở xã Cao Ngạn nói riêng và các xã, phường của Thành phố nói chung đi vào nền nếp, trước tiên các cơ quan chức năng của Thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các xã tiến hành kiểm tra các quy hoạch đã có; lập quy hoạch chi tiết mới; đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng tới nhân dân. Về phía chính quyền cấp xã cũng nên đưa vấn đề này lồng ghép vào các buổi họp của xã,  của xóm và các đoàn thể để từng bước nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân. Đồng thời, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở cũng cần xử lý nghiêm đối với những hộ cố tình vi phạm để tránh trường hợp người dân mặc dù biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫ cố tình “vờ” như không biết…