Với các chính sách đãi ngộ của Nhà nước, nhiều bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đã được đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sự phát triển chung của cộng đồng dân cư. Đồng thời, các hộ dân tộc thiểu số còn được trực tiếp hỗ trợ tiền làm nhà ở, mua sắm phương tiện, tư liệu sản xuất, chăm sóc sức khoẻ miễn phí...
Qua thống kê của các ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 dân tộc thiểu số cùng chung sống là Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa, Mông, chiếm gần 25% dân số của tỉnh (khoảng 200 nghìn người). Trong đó, dân tộc Tày chiếm tới 10,51% dân số và định cư ở 267 xóm, bản; dân tộc Sán Chay định cư ở 64 xóm, bản; dân tộc Dao định cư ở 57 xóm, bản... Ít nhất là đồng bào dân tộc Mông đang sinh sống ở 13 xóm, bản (chiếm 0,46% dân số).
Để từng bước tạo sự phát triển đồng đều, ổn định cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai đồng bộ những chính sách đầu tư cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc như: Chương trình 135, Chương trình 134 của Chính phủ. Cụ thể, trong 3 năm trở lại đây, tổng nguồn kinh phí từ Chương trình 135 giai đoạn II đã đầu tư cho 44 xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh là trên 162 tỷ đồng, Chương trình 134 đầu tư gần 90 tỷ đồng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng đó là tỉnh đã huy động thêm nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; chăm sóc sức khoẻ; giáo dục đào tạo; dân số - kế hoạch hóa gia đình tới nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức định canh, định cư để đồng bào ổn định cuộc sống với tổng số tiền đầu tư cho các chương trình này hàng năm lên đến hàng chục tỷ đồng. Từ những chính sách, sự giúp đỡ nêu trên đã có 5.235 hộ dân tộc thiểu số được hưởng lợi trực tiếp. Trong đó có 4.201 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ làm nhà ở, 3.867 hộ được cung cấp nước sạch sinh hoạt và hàng nghìn lượt hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn được hỗ trợ tư liệu sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Các nguồn lực đầu tư trực tiếp, gián tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số nêu trên đã tạo ra cơ hội để bà con vươn lên phát triển kinh tế hộ, xây dựng đời sống văn hóa mới. Hiện, bình quân mỗi năm có trên 4% số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh thóat nghèo và toàn tỉnh chỉ còn gần 5 nghìn hộ dân tộc thiểu số nghèo và tập trung chủ yếu ở các bản đồng bào dân tộc Mông của Võ Nhai, đồng bào Tày, Nùng ở một số xã vùng cao của Định Hóa, Đại Từ. Còn lại hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có cuộc sống ổn định.
Về kết cấu hạ tầng, hiện 100% số xã trong tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã có đường ô tô tới trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang. Một số bản làng khó khăn về nguồn nước sinh hoạt đã được đầu tư xây dựng các công trình nước tự chảy (hiện đã có 80 công trình nước sinh hoạt tập trung được xây dựng tại các vùng tập trung đông đồng bào sinh sống với khả năng cung cấp nước cho trên 7,4 nghìn hộ). Các thiết chế văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã được củng cổ, xây dựng mới, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để bà con xây dựng đời sống văn hóa. Một số xóm, bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã trở thành những khu dân cư tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh như: Mỏ Gà, xã Phú Thượng, xóm Làng Đèn, xã Tràng Xá (Võ Nhai); xóm Cọ 1, xã Phấn Mễ, xóm Thâm Đông, xã Ôn Lương (Phú Lương); xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên, xóm Bình Hương, xã Bình Thuận (Đại Từ)... Đặc biệt, trong các xóm, bản của đồng bào đã xuất hiện những gia đình dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm như: Bác Triệu Long Tài, dân tộc Dao, ở xã Phú Thượng (Võ Nhai); anh Lục Văn Thuỷ, dân tộc Nùng, ở xã La Bằng (Đại Từ), anh Đặng Văn Trường, dân tộc Sán Dìu, ở xã Tân Khánh (Phú Bình), bác Ma Đức Căm, dân tộc Tày, ở xã Phúc Chu (Định Hóa)... Những khu dân cư, gia đình tiêu biểu nêu trên đã trở thành hạt nhân, là sự khích lệ để tạo không khí thi đua trong phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bác Liêu Ngọc Hiền ở bản Eng, xã Phủ Lý (Phú Lương) tâm sự: “Các hộ trong bản giờ đều có cuộc sống no đủ nên 100% con em trong bản được đến trường. Kinh tế phát triển nên mỗi năm qua đi, trong bản lại có thêm những hộ mua sắm được tư liệu sản xuất, đồ dùng đắt tiền như máy cày, xe máy, ti vi...".
Không chỉ đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa mà đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn luôn đoàn kết, tương trợ nhau và chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hầu hết các khu dân cư tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do vậy, việc một số đối tượng lợi dụng sự cả tin, địa hình phức tạp để tới truyền đạo trái phép ở một số xóm, bản trước đây không còn xảy ra và khi có người lạ tới bản đã được bà con thông báo kịp thời tới chính quyền địa phương.
Bên cạnh những thuận lợi thì tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc Mông ở những bản định cư trên núi cao đang gặp những khó khăn trong cuộc sống như: trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng ở những bản này gần như "trắng", tập tục canh tác, sinh hoạt của bà con vẫn còn lạc hậu, đời sống văn hóa thiếu thốn. Nếu không tiếp tục nhận được sự đầu tư của Nhà nước và sự giúp đỡ của toàn xã hội thì các hộ dân này khó có thể bứt phá ra để phát triển.
Dù thuận lợi hay khó khăn nhưng điều dễ nhận thấy là trên khắp các xóm, bản trong tỉnh, đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ra sức đoàn kết, thi đua để xây dựng, bảo vệ quê hương.