Bên này là khu cách ly cho bệnh nhân tiêu chảy cấp; bên kia là khu cách ly cho bệnh nhân cúm A H5N1, H1N1, dịch này chưa đi, dịch khác đã tới, công việc dồn dập, đó là toàn cảnh khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa TW Thái Nguyên những ngày này.
Toàn khoa chỉ có 3 bác sỹ phục vụ hàng ngày, cùng 2 bác sĩ của Bộ môn tham gia điều trị khi không bận giảng dạy, 6 điều dưỡng và 2 hộ lý nhưng bệnh nhân tăng cao khi có dịch, chỗ nào và lúc nào cũng cần thầy thuốc phục vụ. Toàn khoa luôn nỗ lực hết mình. Không chỉ là vất vả, tăng cường độ lao động mà những người thày thuốc này phải tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với những mầm bệnh nguy hiểm cho chính họ. Mối nguy hiểm này đâu đó cũng rình rập người thân trong gia đình họ, cũng làm cho người xung quanh e ngại… Hơn ai hết họ luôn ý thức việc phòng bệnh cho mình một cách nghiêm ngặt.
Bác sĩ Trưởng khoa Ma Văn Xuân ngoài việc tổ chức công tác khám và điều trị tại Khoa cũng luôn theo sát diễn biến của vụ dịch, chỉ đạo Khoa hoàn thành công tác và ông coi đó là trách nhiệm, là danh dự của chính mình. Dưới sự chỉ đạo của bác sĩ Trưởng khoa cũng là Trưởng bộ môn, toàn Khoa và Bộ môn truyền nhiễm đã cộng đồng trách nhiệm, vừa phục vụ tốt cho người dân, vừa giảng dạy cho sinh viên trên thực tiễn sống động.
Mới đây, dịch tiêu chảy cấp cuối năm 2007 đầu năm 2008 đã có 711 bệnh nhân vào khám và điều trị, dịch cúm A H5N1, tất cả những ca nghi mắc đều được thu nhận cách ly và điều trị tại Khoa. Ngoài ra các bệnh truyền nhiễm khác như viêm gan, HIV, sởi, ho gà… các thầy thuốc của Khoa cũng đã mang hết nhiệt tình, khả năng, phục vụ người bệnh.
Bên cạnh Khoa Truyền nhiễm là sự hỗ trợ của cả Bệnh viện, Ban Phòng, chống dịch của Bệnh viện đã họp và đưa ra phương án phòng, chống cùng những biện pháp được triển khai kịp thời như: Tăng cường thiết bị y tế cho Khoa Truyền nhiễm, chuẩn bị cơ số thuốc và dịch truyền, sẵn sàng đội cấp cứu cơ động với xe ôtô chuyên dụng, sẵn sàng các xét nghiệm và phương tiện chẩn đoán cho đến quần áo chống dịch… tạo mọi điều kiện tốt nhất vì sự sống của bệnh nhân.
Chuyên môn và trách nhiệm đã làm cho các thầy thuốc ở đây xứng đáng là điểm tựa cho người dân mỗi khi dịch bệnh đến, khi mà mọi người cần rời xa nơi nguy hiểm thì chính những y, bác sĩ ấy phải lao vào nơi nguy hiểm.