Theo đánh giá của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long có mức độ đa dạng sinh học cao bậc nhất thế giới.
Theo Viện Sinh học Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1997 đến nay, các nhà khoa học trong nước và quốc tế phát hiện thêm hơn 1.000 loài sinh vật mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên cho biết, đây là kết quả khám phá “chưa từng thấy” so với các vùng khác trên thế giới có cảnh quan đất ngập nước tương tự như Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả này rất có ích cho việc nghiên cứu tính đa dạng sinh học của các vùng đất ngập nước trên thế giới.
Theo đánh giá của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long có mức độ đa dạng sinh học cao bậc nhất thế giới. Ngoài sinh vật đất ngập nước, Đồng bằng sông Cửu Long còn có hệ núi đá vôi Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, trong quần thể núi đá vôi kéo dài từ tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) sang tỉnh Kampot (Campuchia), phân bổ riêng lẻ dọc biển và đồng bằng, cách xa các khu núi đá vôi khác ở Việt Nam.
Tại đây, các nhà khoa học tìm được nhiều loài động thực vật đặc hữu và loài mới bổ sung cho danh mục các loài sinh vật của thế giới.