Năm 1976, tất cả các hộ dân ở xã Phúc Thọ (Đại Từ) đã di dời đến nơi ở mới phục vụ cho việc xây dựng công trình đại thủy nông Núi Cốc. Trong quá trình “tản cư” đó đã có một số hộ chuyển tới vùng đồi núi Khe Lim của xã Bình Sơn (T.X Sông Công). Hơn 30 năm qua, người dân Khe Lim đã chăm chỉ làm việc để ổn định cuộc sống nhưng hiện họ đang gặp những khó khăn cần có sự giúp đỡ của các cấp, các ngành…
Chúng tôi tới xóm Khe Lim, xã Bình Sơn vào những ngày tháng tám. Theo lời anh Nguyễn Ngọc Thành, Phó Công an xã tuyến đường vào Khe Lim nay đã dễ đi hơn rất nhiều so với 2 năm trước nhờ chương trình diễn tập ZT và bà con ở đây đã nhiều lần sửa chữa, nâng cấp nhưng vẫn còn nhiều đèo dốc, thùng vũng trên mặt đường. Do vậy, đoạn đường từ trung tâm xã tới xóm Khe Lim chỉ dài khoảng 10 km nhưng chúng tôi phải đi mất rất nhiều thời gian.
Tiếp chúng tôi tại nhà văn hoá xóm, ông Đinh Long Biên, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Khe Lim có 82 hộ với 345 nhân khẩu, hầu hết người dân trong xóm đều di chuyển từ vùng lòng hồ Núi Cốc về đây định cư theo chương trình di dân của tỉnh. Đất ở Khe Lim rất màu mỡ, phù hợp với cây chè và cây chè đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình trong xóm. Cả xóm có hơn 20 ha chè trung du và khoảng 5ha chè giống mới. Thổ nhưỡng và khí trời nơi đây đã tạo cho sản phẩm chè của Khe Lim có hương vị thơm ngon, đậm đà nên tư thương vào tận xóm để mua gom. Nhưng giao thông quá khó khăn nên giá chè của người dân Khe Lim làm ra bán thường thấp hơn so với các địa phương lân cận. Chị Lê Thị Quang, cán bộ Chi hội Phụ nữ xóm tâm sự: "Ở Khe Lim mỗi cân chè búp khô bán ra bao giờ cũng thấp hơn từ 2-3 nghìn đồng so với Phúc Thuận, Phổ Yên. Cũng vì đường khó đi mà cứ 10kg chè tư thương lại trừ của chúng tôi 6 lạng chè hoặc bán một con lợn tư thương trừ 1kg đến 2kg…". Không chỉ chè mà bất kể sản phẩm nào người dân Khe Lim làm ra cũng phải bán với giá rẻ. Ngược lại, các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày bà con lại phải mua với giá cao hơn.
Giao thông khó khăn, bà con ở Khe Lim còn khắc phục được nhưng tại vùng “đất khuất” này có thêm một khó khăn nữa gây cản trở việc phát triển kinh tế - xã hội chính là nguồn điện lưới quá yếu. Với chiều dài của xóm khoảng hơn 3km, chiều rộng 1,5 km nên chỉ một số hộ phía đầu xóm là điện ban ngày đôi lúc còn có thể dùng được, còn các hộ ở xa thì đành sống trong cảnh "ăn cơm đèn, đi ngủ điện", Ông Nguyễn Thanh Nhàn, một hộ dân trong xóm bức xúc: "Đêm đến là tôi lại phải dậy để tưới chè còn ban ngày thì có điện nhưng quạt quay cũng chẳng đủ mát nói gì đến chạy máy bơm". Cũng chính do điện yếu nên nhiều máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sinh hoạt như: Máy bơm nước, máy vò chè, ti vi, tủ lạnh… không phát huy được hiệu quả. Được biết, từ tháng 4/2009 trở về trước, người dân ở đây phải mua điện với giá 1.500 đồng/kwh nhưng từ tháng 5/2009 đường điện hạ áp của xóm được bàn giao về cho ngành Điện quản lý nên giá điện đã rẻ hơn nhưng chất lượng điện vẫn không được cải thiện.
Khó khăn là vậy nhưng điều chúng tôi nhận thấy ở Khe Lim là các hộ dân đều rất chăm chỉ làm việc, sống đoàn kết và thi đua nhau xây dựng đời sống văn hóa. Nói về sự phát triển của xóm, ông Biên tự hào: Trước năm 2000, cả xóm không có nổi 1 chiếc ti vi, xe máy chỉ có 2 hộ nên mỗi khi nhà ai có người bị ốm phải cấp cứu là hai chiếc xe này đóng vai trò là "xe cứu thương", cả xóm có đến gần 30 nhà dột nát… Nhưng từ năm 2001, khi phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" được phát động, các đoàn thể của xóm đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương này. Khi cuộc vận động đi vào cuộc sống, ý thức của nhân dân được nâng lên nên những cách làm kinh tế hay, hiệu quả được bà con chia sẻ để cùng phát triển. Nhiều tổ chức đoàn thể đã có cách làm hay để giúp hội viên của mình vươn lên thoát nghèo như: vận động chị em hái chè đổi công, chia sẻ kỹ thuật làm chè, cấy lúa; tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Chính nhờ những hoạt động đó mà cuộc sống của người dân ở Khe Lim ngày càng được nâng cao, nhiều gia đình đã có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm... Với sự nỗ lực, đoàn kết của nhân dân trong xóm, năm 2002 Khe Lim được công nhận làng văn hóa cấp thị xã và đến giờ 90% số hộ trong xóm có xe máy, 80% số hộ có tivi, chỉ còn 4 nhà dột nát, xóm không có người mắc tệ nạn xã hội, không có người vi phạm pháp luật, các cháu trong độ tuổi đều được đến trường…
Chia tay chúng tôi, chị Quang bảo: "Cuối năm nay các hộ trong xóm sẽ đóng góp tiền với mức dự kiến là 200 nghìn đồng/người để cùng với nguồn vốn của Nhà nước để bê tông hóa gần 1km đường trục của xóm và những năm tới mỗi năm làm một đoạn, chắc chắn lần sau nhà báo tới xóm sẽ không vất vả như bây giờ. Nhưng điều chúng tôi mong muốn là nhà báo về tỉnh nhớ nói giúp với ngành Điện sớm cải tạo lưới điện để tạo điều kiện cho bà con Khe Lim chúng tôi được hưởng nguồn điện tốt một chút nhé".