Về Kha Sơn lòng thêm son sắt

17:04, 19/08/2009

Trong những ngày tháng Tám mùa thu lịch sử này, chúng tôi có dịp trở lại Kha Sơn, huyện Phú Bình. Đi trên con đường làng dẫn tới xóm Soi, xóm Ca, qua Kha Sơn Hạ, Kha Sơn Thượng..., nhìn những trà lúa mùa sớm xanh mướt, những công trình thuỷ lợi, đường giao thông được đầu tư kiên cố phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của bà con, những ngôi nhà mới xây khang trang... chúng tôi hiểu, một vùng quê cách mạng bên triền sông Cầu đang từng ngày đổi mới.

 

Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, với vị trí địa lý thuận lợi cho việc liên lạc giữa phong trào cách mạng ở Bắc Sơn (Lạng Sơn), Võ Nhai (Thái Nguyên) với các tỉnh Cao Bằng, Bắc Giang... Kha Sơn đã trở thành "địa chỉ đỏ" và được Trung ương Đảng chọn làm một trong các địa phương để xây dựng An toàn khu II (ATK II), là cầu nối giữa ATK đồng bằng với căn cứ địa Việt Bắc. Trở thành ATK II, Kha Sơn là nơi huấn luyện, đào tạo cán bộ Đảng, cán bộ quân sự, bổ sung cho các đảng bộ ở Bắc Kỳ. Kha Sơn cũng được chọn là nơi đặt cơ quan in ấn tài liệu quan trọng của Đảng. Những địa danh như: đình Kha Sơn Thượng, chùa Mai Sơn, đình Kha Sơn Hạ, rừng Rác, rừng Mấn, nền nhà ông Cao Nhật... đã từng là nơi hoạt động, che giấu cán bộ cách mạng trong thời kỳ này.

 

Quá khứ hào hùng đã trở thành động lực cho lớp trẻ Kha Sơn trưởng thành, xây dựng quê hương. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Kha Sơn hôm nay đã và đang ngày một vươn lên trong sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới. Anh Tô Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi thông báo: Hiện nay, sản lượng lương thực có hạt của Kha Sơn đã đạt 49,9 tạ/ha, bình quân lương thực đầu người đạt 550kg/người/năm, không những đủ ăn mà bà con còn có "của ăn, của để"; trong tổng số 2.010 hộ dân toàn xã thì số hộ có kinh tế khá, giàu đã chiếm tỷ lệ gần 20%; số hộ nghèo chỉ còn 18,4%, không còn hộ đói; các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng đều có cuộc sống ổn định, nhà ở chắc chắn. 100% số xóm được sử dụng điện lưới quốc gia; gần 90% xóm có nhà văn hoá để sinh hoạt cộng đồng; trẻ em đến tuổi được đến trường... Để đạt được thành tích đó, phải kể đến phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đưa nhiều giống mới, chất lượng cao vào gieo trồng. Kha Sơn xác định lấy cây lúa và phát triển chăn nuôi làm mũi nhọn. Những giống cây, con mới, năng suất chất lượng cao như: Khang Dân, lúa cao sản, lợn hướng nạc, gà siêu trứng... được đưa vào sản xuất. Để đạt hiệu quả cao nhất, xã đã tranh thủ sự trợ giúp của các phòng, trạm chức năng của huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh vật nuôi, cây trồng cho nông dân. Không những thế, người dân Kha Sơn đã mạnh dạn đầu tư vốn cho con em đi học nghề ở các địa phương khác về mở các ngành nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay xã đã có 160 hộ hoạt động kinh doanh ở nhiều lĩnh vực như: mây, tre đan; gò, hàn sắt thép; sản xuất vật liệu xây dựng; dịch vụ thức ăn chăn nuôi... Những cơ sở này góp phần giải quyết việc làm cho người lao động lúc nông nhàn.

 

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, người dân Kha Sơn đã đóng góp công sức, tiền của xây dựng được gần 10 km kênh mương dẫn nước vào đồng ruộng, đảm bảo nước tưới cho gần 400 ha lúa xuân, 550 ha lúa mùa và nhiều diện tích rau mầu khác, từ đó đã đưa hệ số sử dụng đất gần 3 lần/năm. Đặc biệt, phong trào làm được giao thông nông thôn ở Kha Sơn luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Hiện xã đã có 4 xóm gồm: Tân Thành, Trung Tâm, Phú Lâm, Soi hoàn thành 100% được giao thông với tổng chiều dài đạt 25 km. Được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và một số tổ chức, nhiều công trình được nâng cấp và hoàn thiện như: trường THCS Kha Sơn, trạm y tế xã, cụm mầm non xóm Si, cụm mầm non xóm Trại... Tất cả các công trình đã và đang phát huy hiệu quả, thiết thực giúp người dân nơi đây từng bước cải thiện điều kiện sống. Đặc biệt, năm 2009, người dân Kha Sơn vui mừng và tự hào vì được Nhà nước đầu tư gần 7 tỷ đồng để tôn tạo Di tích lịch sử chùa Mai Sơn. Đây là di tích lịch sử quan trọng nằm trong cụm di tích lịch sử Kha Sơn đã được Bộ Văn hoá Thông tin trước đây xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia năm 1997.

 

Trong chương trình phát triển từ nay đến năm 2015, Kha Sơn chú trọng đến các vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông liên xã, liên thôn; tiếp tục kiên cố hoá kênh mương nội đồng để tăng diện tích gieo cấy lên 3 vụ/năm; phát triển đàn gia súc, gia cầm... Bên cạnh đó việc giữ vững truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, phát huy bản sắc văn hóa dân gian, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" là động lực quan trọng đưa Kha Sơn  ngày càng tiến nhanh hơn trên con đường xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.