La Hiên là xã cửa ngõ của huyện Võ Nhai nối liền với huyện Đồng Hỷ và là đầu mối quan trọng kết nối 6 xã phía Bắc với các xã khác trong huyện. Nơi đây ghi dấu sự ra đời của chính quyền các mạng huyện Võ Nhai, phát huy truyền thống lịch sử đó, La Hiên hôm nay đang chuyển mình đi lên….
Xã La Hiên có truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng từ rất sớm. Từ cuối những năm 1930, ngọn lửa cách mạng đã nhen nhóm tại La Hiên. Nhân dân khắp nơi trong xã đoàn kết một lòng đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp. Hàng nghìn người dân La Hiên đã tham gia nhiều cuộc đấu tranh phản đối sưu cao, thuế nặng của thực dân Pháp. Năm 1941, Trung đội Cứu quốc quân II ra đời, nhiều người dân La Hiên đã tình nguyện ra nhập và tiếp tế cho Trung đội. Năm 1945, nhận rõ vị trí cửa ngõ của La Hiên, thực dân Pháp tăng cường lực lượng nhằm quyết tâm bảo vệ Châu lỵ la Hiên. Đêm 20/3/1945, lực lượng cách mạng do đồng chí Nông Văn Cún (tức Thái Long) đã chỉ huy hơn 300 người dân La Hiên bao vây Châu lỵ La Hiên, kêu gọi địch đầu hàng. Gặp sự chống trả của địch, quân và dân La Hiên đã cùng Cứu quốc quân nổ súng tiêu diệt hàng chục tên Pháp, bắt sống trên 100 tên lính khố xanh, lính dõng… Gần sáng ngày 21/3/1945, toàn bộ Châu lỵ La Hiên được giải phóng. Ngay sáng hôm đó, chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện Võ Nhai đã được thành lập và ra mắt nhân dân. Sự kiện này như tiếp thêm sức mạnh, động viên nhân dân Võ Nhai và cả tỉnh vùng lên giành chính quyền.
Từ truyền thống quý báu đó, người dân La Hiên luôn đoàn kết xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Ông Trịnh Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có trên 1,3 nghìn ha diện tích đất nông nghiệp trong đó diện tích lúa 1 vụ là 320 ha, lúa hai vụ là 844 ha, đất trồng màu là 130 ha. Hiện nay, năng suất lúa trung bình của xã đã đạt 4,6 tấn/ha với mức bình quân đầu người là 470kg thóc/năm. Trong tổng số 1.740 hộ trên toàn xã thì đã có tới 484 hộ có kinh tế khá, chiếm gần 28% số hộ của xã. Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh, trung bình gần 10% mỗi năm. Năm 2006, toàn xã có 26,7% hộ nghèo thì đến nay chỉ còn 8,56% số hộ thuộc diện hộ nghèo.
10 năm nay, người dân ở một số xóm như Hiên Minh, Na Đồng, Hiên Bình… đã chuyển dịch cây trồng từ một số cây công nghiệp ngắn ngày sang trồng cây na cho giá trị kinh tế cao hơn. Hiện toàn xã có tới gần 200ha diện tích đất trồng na cho thu nhập gần 50 triệu đồng/ha. Một số hộ áp dụng kỹ thuật cao trồng na cho na ra quả sớm và đem lại giá trị kinh tế cao gấp 2 lần so với chính vụ. Ngoài cây na, cây chè cũng được quan tâm phát triển với gần 120 ha diện tích rải rác trên toàn xã. Xã cũng có thuận lợi với hồ thủy lợi Lòng Thuyền ở xóm La Liên và một số hồ, đập chứa nước cùng hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho hàng trăm ha diện tích lúa nước của xã.
Cùng với phát triển kinh tế, La Hiên cũng chú trọng quan tâm tới thực hiện các chính sách xã hội, chính sách người có công. Bên cạnh việc chi trả chế độ đúng thời gian, đúng đối tượng, xã thường xuyên thăm hỏi và vận động các cơ quan đơn vị trên địa bàn chăm lo cho các gia đình chính sách. Chính vì vậy mà trong tổng số 105 gia đình các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng của xã thì không có hộ nào còn là hộ nghèo. Sự quan tâm của lãnh đạo xã là nguồn động viên các thương binh, bệnh binh trên địa bàn không ngừng phấn đấu vươn lên làm tấm gương sáng về phát triển kinh tế, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ ''Thương binh tàn nhưng không phế”. Điển hình như anh thương binh Nguyễn Thanh Xuân ở xóm Cây Bòng làm kinh tế nông nghiệp và chăn nuôi mỗi năm thu nhập trên 50 triệu đồng…
Nói về hướng phát triển của xã, ông Trịnh Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã vẫn sẽ tiếp tục phát triển trên định hướng nông nghiệp là chủ yếu và sẽ đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất hơn nữa. Rời La Hiên, chúng tôi hiểu rằng, dẫu chưa thành một vùng quê trù phú, nhưng Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây đã thể hiện tốt sự kiên cường của vùng đất quê hương cách mạng. La Hiên đang là vùng đất nông nghiệp năng động chuyển mình hòa chung vào sự phát triển của huyện Võ Nhai.