Vết thương không mảnh đạn

15:39, 05/08/2009

Hơn 400 trẻ em là nạn nhân chất độc da cam ở T.P Thái Nguyên đã và đang phải mang trên cơ thể vết thương không mảnh đạn. Đau đớn hơn, vết thương ấy đã cướp đi của các cháu không chỉ sức khỏe, mà cả tâm hồn…

 

Từ góc nhà có thứ ánh sáng lờ nhờ hắt qua khung cửa sổ, một thanh niên với thân hình dị dạng, chân tay teo tóp, đầu to quá khổ cố gượng cất tiếng chào mọi người - đó là cháu Nguyễn Văn Tuân, hơn 20 tuổi, con trai ông Nguyễn Văn Tạo, ở tổ 12, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên). Từ ngày cất tiếng khóc chào đời, Tuân đã không được may mắn làm một người bình thường. Cháu là nạn nhân chất độc da cam. Mẹ Tuân, bà Lê Thị Phú nói với chúng tôi: Hiện gia đình hết sức khó khăn, ông Tạo hằng ngày đi phụ hồ, tôi đi nhặt rác để cùng nuôi 2 đứa con trai không ra người. Tuân nằm một chỗ, còn cháu Tuyên  thỉnh thoảng lên cơn đau đầu, cháu đánh cả bố mẹ.

 

Trong ngôi nhà hiếm vắng tiếng cười, tôi hiểu các cháu Tuân, Tuyên cũng như hơn 400 trẻ em là nạn nhân chất độc da cam ở T.P Thái Nguyên đã và đang phải mang trên cơ thể vết thương không mảnh đạn. Đau đớn hơn, vết thương ấy đã cướp đi của các cháu không chỉ sức khỏe, mà cả tâm hồn. Ông Chu Thanh An, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam phường Đồng Quang nói với chúng tôi: Nhìn đồng đội cũ, nhất là khi thấy con em của các đồng chí mình bị dị tật bẩm sinh, tôi đau lắm. Trong phường hiện có 117 trường hợp được hưởng trợ cấp nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 8 cháu; còn 105 trường hợp đang làm thủ tục chờ giám định sức khỏe.

 

Sau giây lát dừng lời như kiềm nén xúc động, ông An cho biết thêm: Các cháu chưa cảm nhận được nỗi đau, nhưng người lớn chúng ta có ai cầm được nước mắt khi phải chứng kiến những hoàn cảnh đau lòng, như trường hợp của đồng chí Nguyễn Văn Nhuần, ở tổ 11 có con gái là Nguyễn Thị Trang Nhung, hơn 20 tuổi vẫn chưa biết làm gì. Để cháu dịu đi những cơn đau đầu bất chợt, các bác sĩ phải cấy vào giữa đỉnh đầu cháu một cái kim tiêm, khi đau người nhà lại giúp cháu bơm bớt nước từ trong đầu ra ngoài. Kinh tế gia đình khó khăn, mỗi lần đi bệnh viện cấp cứu, bà con chòm xóm lại mỗi người góp dăm ba nghìn để bố con cháu Nhung đi lại, thuốc thang.

 

Biết số tiền nhỏ nhoi ấy không thể bù đắp lại cho những người lính đã không may bị nhiễm chất độc da cam dioxin, khi thứ chất độc ấy không chỉ gây hậu quả cho bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến đời sau: Các con của họ nhiều người khi sinh ra đã bị tật nguyền. Nhưng đó là tấm lòng tri ân của mọi người, với tâm nguyện góp phần làm vợi nguôi nỗi đau da cam...

 

Trong số người trở về từ mặt trận miền Nam sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi vô tình gặp ông Trần Văn Sự, ở tổ 3, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên). Ngoài vết thương trong đầu, ông Sự còn là nạn nhân chất độc da cam. Vợ chồng ông sinh được 4 người con, thì 3 người con bị ảnh hưởng của chất độc này. Thương nhất trong nhà có cháu Trần Thị Mai, sinh năm 1985, bị mẩn ngứa từ khi lọt lòng, cuộc đời cháu phải gắn liền với ấm thuốc nam. Ông Sự buồn rầu nói: Vết thương không mảnh đạn còn đau đớn, nhức nhối hơn dị vật nằm trong đầu tôi. Hiện cháu Mai đang bị mẩn ngứa cả vào trong mắt. Cuối năm ngoái, cháu ngoại tôi vừa cất tiếng khóc chào đời trong bệnh viện, được 2 ngày tuổi các bác sĩ đã phải thay máu cho cháu…

 

Còn đối với cựu chiến binh Nguyễn Văn Thanh, tổ 2, phường Tân Long, một ngày ông bỗng thấy trong gan ruột nóng như có lửa, sức khỏe giảm sút nhanh chóng, nhiều lúc khắp người bị mẩn ngứa khó chịu. Khi đi giám định sức khỏe, các bác sĩ cho biết: Ông Thanh bị nhiễm chất độc da cam, hiện nền y học thế giới chưa tìm được thuốc chữa. Rồi, con trai ông cũng trở thành nạn nhân chất độc da cam. Đau đớn hơn, khi mọi người trong họ đưa con dâu ông đến bệnh viện sinh nở, thì cháu nội ông là một quái thai. Nỗi đau ấy khó có gì bù đắp nổi…

 

Chất độc da cam như con ác thú ẩn mình bên trong cơ thể mỗi nạn nhân. Nó âm ỉ, hành hạ khiến nạn nhân đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Và vì thế hầu hết những nạn nhân chất độc da cam đều sống trong tình trạng đau ốm quanh năm, kinh tế gia đình sa sút, nên họ rất cần nhận được sự giúp đỡ thường xuyên cộng đồng xã hội. Về việc này, ông Nguyễn Xuân Phong, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ T.P Thái Nguyên cho biết: Trung bình mỗi năm Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam điôxin của Thành phố có hơn 1.000 suất quà tặng cho các nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Món quà tuy không lớn, nhưng là nguồn động viên giúp anh chị em có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Năm, tổ 23, phường Trung Thành đã được hỗ trợ tiền làm nhà ở. Người con gái ông Năm bị nhiễm chất độc da cam được học nghề may miễn phí. Năm 2006 gia đình ông Năm được hỗ trợ 3 triệu đồng tiền mua bò sinh sản. Nhờ sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể và sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, đến năm 2008 gia đình ông còn được chính quyền địa phương công nhận đủ tiêu chuẩn thoát nghèo.

 

Trở lại phường Tân Long, chúng tôi đến thăm gia đình bà Nông Thị Nhâm, ở tổ 3, 2 vợ chồng cùng là nạn nhân chất độc da cam. Nhà nghèo, nên khi phá ngôi nhà dột nát để xây lại ngôi nhà cấp 4 mới, gia đình bà được Ngân hàng Công Thương Thái Nguyên hỗ trợ 20 triệu đồng, bà con chòm xóm ủng hộ thêm 5 triệu đồng. Hôm vào nhà mới (26/7/2009), chính quyền địa phương, các đoàn thể đến chúc mừng, tặng thêm chăn, màn, quần áo... Bà Nhâm cảm động bảo: Nhờ có sự giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể và bà con trong tổ, gia đình tôi mới có được một mái nhà đủ che mưa, nắng... Khi ấy, tôi cũng như mọi người có mặt ở đó, ai nấy đều xúc động: Họ đã vì Tổ quốc mà mang trong mình nỗi đau da cam, vết thương ấy còn đau đớn hơn những mảnh bom, đạn thành sẹo trên thân thể... Vậy chúng ta đã làm được những gì để góp phần giúp đỡ họ - những nạn nhân của chiến tranh - ngoài lời tri ân?!. Và, tôi chợt nghĩ, cuộc đấu tranh đòi công lý cho những nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam đối với các công ty hóa chất của Mỹ đang và sẽ cần được dấy lên mạnh mẽ hơn nữa, cần sự chung tay, góp sức của mọi người…