Phong trào "Hũ gạo tiết kiệm vì phụ nữ nghèo" được Hội Phụ nữ xã Thịnh Đức, T.P Thái Nguyên triển khai từ ngày 8/3/2009. Đến nay, hơn 300 hũ gạo từ 13 chi hội phụ nữ xã đã tiết kiệm được khoảng 900 kg, trung bình mỗi hũ 3 kg. Số gạo từ các hũ tiết kiệm được các chi hội chia cho phụ nữ nghèo, một việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa không hề nhỏ
Bà Nùng Thị Máy, 84 tuổi, xóm Đức Cường, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) cho biết: Hằng ngày khi đong gạo thổi cơm, bà bớt lại một nắm cho vào hũ gạo tiết kiệm. Bà làm việc này với mong muốn chia sẻ, giúp đỡ cho những phụ nữ nghèo cùng xã có bát cơm khi đói.
Việc làm của bà Máy xuất phát từ phong trào “Hũ gạo tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” do Hội Phụ nữ xã phát động. Phong trào đã thu hút được hơn 300 hội viên phụ nữ tham gia, mỗi nhà một cách, hũ gạo tiết kiệm được dùng là chum, vại sành, xô nhựa có nắp đậy... được đặt bên cạnh thùng gạo ăn hằng ngày của gia đình. Bà Phạm Thị Bình, Chi hội trưởng phụ nữ xóm Đức Cường nói vui: Hũ gạo tiết kiệm được chị em chúng tôi ví như một thành viên trong nhà. Mỗi ngày “cho ăn” một chút, hôm nào quên không “cho ăn”, tự mình thấy áy náy như đánh mất thứ gì đó.
Bà Phùng Thị Thao, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã tâm sự: Thịnh Đức là xã miền núi, với hơn 1.700 hộ, hơn 6.500 nhân khẩu, thu nhập chính của người dân là sản xuất nông nghiệp, hiện xã còn 86 hộ nghèo, trong đó có 23 hộ nghèo do phụ nữ đứng tên chủ hộ. Tuy những năm gần đây đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã từng bước được cải thiện, nhưng lương thực vẫn luôn là việc quan tâm hàng đầu của các gia đình. Do vậy Hội vận động hội viên hưởng ứng phong trào “Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Thành Hội, cũng như Tỉnh Hội LHPN phát động là xây dựng hũ gạo tiết kiệm vì phụ nữ nghèo. Với Thịnh Đức, đây là một phong trào phù hợp, thiết thực mà mọi người đều có thể thực hiện.
Không quy định mỗi tháng hũ gạo của mỗi hội viên phải được bao nhiêu cân, bởi đơn giản đây là hũ gạo tự nguyện chia sẻ của những tấm lòng cho người gặp cảnh khó. Bà Vũ Thị Thường, Chủ tịch Hội Nông dân xã, đồng thời là hội viên chi hội phụ nữ xóm Đồng Chanh kể: Trong xã có một số trường hợp không thể xoá nổi nghèo, họ luôn cần có sự giúp đỡ, chia sẻ của mọi người trong cộng đồng như hoàn cảnh của bà Hoàng Thị Châu, hộ độc thân, bị tàn tật bẩm sinh; hộ bà Trần Thị Dung bản thân bị tàn tật, nhà có mẹ già hết tuổi lao động... đó là một trong những địa chỉ cần nhận được sự giúp đỡ của mọi người.
Qua trao đổi chúng tôi biết: Hũ gạo tiết kiệm vì phụ nữ nghèo được Hội LHPN xã Thịnh Đức triển khai từ ngày 8/3/2009. Đến nay, hơn 300 hũ gạo từ 13 chi hội phụ nữ xã đã tiết kiệm được khoảng 900 kg, trung bình mỗi hũ 3 kg. Điển hình là hũ gạo tiết kiệm của hội viên chi hội phụ nữ xóm Đức Cường có hơn 100 kg, Đồng Chanh có hơn 70 kg và chi hội phụ nữ xóm Lượt 1 được 67 kg... Số gạo từ các hũ tiết kiệm được các chi hội chia cho phụ nữ nghèo hoặc “hoàn chum”, tức cho lại hũ gạo của chính gia đình hội viên đó sử dụng. Bà Thao giải thích thêm: Việc thực hành hũ gạo tiết kiệm tránh được lãng phí không cần thiết về lương thực ngay ở mỗi gia đình. Từ nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của phong trào này, hôm 8/3, ngày đầu tiên Hội LHPN xã phát động phong trào, Ban Tổ chức đã gom được gần 50 kg gạo. Toàn bộ số gạo này được chia ngay cho 5 gia đình hội viên phụ nữ nghèo. Hôm ấy, chị Đặng Kim Thoa, xóm Làng Cả, hội viên có chồng bị ốm liệt giường từ 3 năm nay, 3 đứa con còn nhỏ nên hoàn cảnh hết sức éo le. Khi nhận số gạo từ những tấm lòng biết sẻ chia, chị Thoa đã rất xúc động
Một ngày “đi xem” hũ gạo tiết kiệm, nghe những câu chuyện đầy tình nghĩa, tôi mới chợt nhận ra rằng: Phong trào hũ gạo tiết kiệm được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động từ những năm tháng đất nước khó khăn vì chiến tranh, đến nay vẫn còn có ý nghĩa, rất phù hợp với cuộc sống của người dân vùng đất nghèo như xã Thịnh Đức và nhiều vùng quê khác của tỉnh Thái Nguyên. Các cụ dạy “Dân dĩ thực vi tiên”, tức dân coi cái ăn là trời, nên khi những người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được bà con chòm xóm san sẻ bát cơm khi đói, sẽ giúp họ có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. Vì lẽ ấy, việc làm của các hội viên Hội LHPN xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) tuy nhỏ, nhưng ý nghĩa lại không hề nhỏ.