Xã Anh hùng trong thời kỳ đổi mới

08:15, 19/08/2009

  Xã Phủ Lý (Phú Lương) mảnh đất được coi là cửa ngõ phía Đông từng che chắn, bảo vệ ATK Định Hóa trong suốt các cuộc kháng chiến của dân tộc. Nơi đây có những người con kiên cường bám đất, bám làng chống lại sự càn quét của địch trong những năm dài kháng chiến... Hôm nay, trên mảnh đất Anh hùng, nhân dân Phủ Lý lại chung tay xây dựng quê hương ấm no giàu đẹp…

 

Năm 1945, cuộc kháng chiến chống Nhật ở nước ta đang ở giai đoạn cao trào. Tại Phú Lương, tháng 5/1945, phát xít Nhật tập trung trên 2 nghìn tên mở cuộc tiến công lớn nhằm tiến đánh vùng an toàn khu cách mạng ở Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang) và các vùng Định Hóa, Đại Từ với hướng tấn công từ đồn Đu tiến công vào. Nắm được tình hình trên, Đội du kích xã Phủ Lý đã phối hợp với du kích xã Hợp Thành, Động Đạt, Ôn Lương phục kích chặn đánh địch tại khu vực Cống Thâm (nay thuộc xã Động Đạt). Trong trận đánh này, lực lượng du kích đã tiêu diệt và làm bị thương nhiều lính Nhật, lính dõng, buộc chúng phải quay về đồn Đu, bảo vệ an toàn trung tâm căn cứ địa cách mạng Định Hóa. Đến tháng 6/1945, du kích xã Phủ Lý còn chủ động phối hợp với du kích xã Động Đạt, Hợp Thành tổ chức phục kích 1 đoàn xe cơ giới của địch trên Quốc lộ 3 (thuộc địa phận xã Yên Đổ) phá hủy một số xe, tiêu diệt 2 lính Nhật, bắn bị thương nhiều tên khác. Trước sự phục đánh liên tục của lực lượng du kích trên địa bàn, quân địch sợ hãi rút về đồn Phấn Mễ cố thủ.

 

Đặc biệt, trong chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, từ đồn Đu, quân Pháp đã nhiều lần tấn công, càn quét xã Phủ Lý hòng âm mưu tiến vào vùng ATK Định Hóa. Ngày 12/12/1947, từ đồn Đu, 300 lính Pháp tiến công càn quét vào các xã Ôn Lương, Hợp Thành. Để phá hoại âm mưu xâm lược của kẻ thù, quân và dân Phủ Lý đã phối hợp với quân và dân các xã Hợp thành, Ôn Lương và các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn tổ chức đánh bại cuộc hành quân càn quét của địch, bảo vệ an toàn của ngõ phía Đông ATK Định Hóa. Không chỉ bảo vệ an toàn ATK Định Hóa, Phủ Lý còn là nơi tiếp nhận, chở che nhiều cơ quan, đơn vị đến ở và làm việc tại xã như: Báo Cứu quốc (tiền thân của Báo Nhân dân ngày nay), Cục Công binh, Cục Vận tải…

 

Năm 1952, Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân lần thứ nhất được tổ chức tại xã Hợp Thành, xóm Hiệp Hòa, Phủ Lý trở thành nơi trú ẩn an toàn cho cụ Ké (Bác Hồ), đồng chí Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Tân Hồng về dự Đại hội. Cũng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, xã Phủ Lý có 128 người con tham gia bộ đội chiến đấu trên khắp các chiến trường, trên 800 lượt người tham gia dân công hoả tuyến, hơn 100 người tham gia phục vụ chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông năm 1947… Với những thành tích trên, xã Phủ Lý vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp và tặng thưởng cho 4 gia đình có công với nước, 48 huân huy chương các loại, 8 đồng chí là cán bộ tiền khởi nghĩa, 5 liệt sỹ …

 

Đất nước hoà bình thống nhất, Đảng bộ và nhân dân xã Phủ Lý phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp. Ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, Đảng bộ xã đều chủ động xây dựng các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương. Với diện tích đất tự nhiên trên 1.500 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chỉ vào khoảng 230 ha, lãnh đạo xã chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào đồng ruộng, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Những năm năm gần đây, người dân chủ động đưa một số giống lúa lai, cây trồng mới vào thâm canh như lạc, đỗ, ngô, bí siêu quả… không những cho hiệu quả kinh tế cao mà còn hướng người dân sản xuất theo quy mô hàng hóa. Cây chè không chỉ là cây giúp xóa đói, giảm nghèo ở địa phương mà còn được bà con nơi đây coi là cây làm giàu. Hiện toàn xã có 110 ha chè kinh doanh, trong đó có 20 ha chè cành, năng suất đạt 65 tạ/ha. Bên cạnh đó, Đảng bộ xã còn khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, mở rộng phát triển chăn nuôi thuỷ sản, khai thác hiệu quả diện tích ao hồ hiện có.

 

Song song với phát triển nông - lâm nghiệp, từ năm 2005 đến nay, xã Phủ Lý chỉ đạo người dân chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề bằng việc mở rộng các loại hình dịch vụ nhỏ như xay sát, chế biến lâm sản, dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Kinh tế phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho xã triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi dân sinh. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, từ năm 2006 đến nay nhiều công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng đã đáp ứng phần nào nhu cầu cuộc sống của người dân như:  đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế với tổng vốn trên 600 triệu đồng, hoàn thành trụ sở làm việc của Đảng uỷ, HĐND, UBND trị giá 1,7 tỷ đồng ngoài ra, xã đang gấp rút thi công xây dựng cầu treo sang nhà bia tưởng niệm Bác Hồ về thăm trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa với số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, xây dựng 4/8 km tuyến đường Phủ Lý - ATK Hợp Thành...

 

 Bên cạnh đó, xã còn tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 181 hộ, giảm trên 100 hộ so với năm 2005. Cùng với đó, phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội thu được nhiều kết quả. Năm 2008, 12/12 xóm của xã đều được công nhận làng văn hóa, 89,4% số gia đình được công nhận là gia đình văn hóa…