Phong trào xây dựng cơ sở y tế sạch, gọn, đẹp của tỉnh Thái Nguyên (một trong những hoạt động của Chương trình giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh) đã được triển khai tại các huyện, thành, thị xã từ cuối năm 2007, qua gần 2 năm hoạt động, phong trào đã có những kết quả bước đầu, góp phần thiết thực giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh trên địa bàn.
Trong hệ thống hoạt động của ngành Y tế, hiện toàn tỉnh có 180 phòng đẻ tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn; 3 phòng khám đa khoa khu vực, 9 khoa sản tại bệnh viện tuyến huyện, 9 đội bảo vệ bà mẹ trẻ em thuộc các trung tâm y tế; 4 khoa sản của các bệnh viện tỉnh, Trung tâm chăm sóc Sức khỏe sinh sản và bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn. Hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản đã phủ kín trên địa bàn, tuy nhiên theo đánh giá của Chương trình Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh (GTVVTVSS) tỉnh thì chỉ có 04/180 cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản ở tuyến xã, phường, thị trấn của tỉnh đạt loại xuất sắc (chiếm 2,2%); 23/180 cơ sở đạt loại tốt (chiếm 12,8%); loại khá và trung bình có 107/180 cơ sở (chiếm tỷ lệ 59,4%); loại yếu có 46/180 cơ sở (chiếm tỷ lệ 25,5%).
Trao đổi với chúng tôi vì sao tỷ lệ cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản đạt loại tốt và xuất sắc còn thấp, Bác sĩ Hoàng Trí Long, Giám đốc Trung tâm chăm sóc Sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: Để đạt được loại xuất sắc hoặc loại tốt theo bảng điểm do Chương trình ban hành thì các trạm y tế phải thực hiện rất nhiều công việc như: nơi làm việc phải thực sự sạch, gọn, đẹp, có đầy đủ các phòng chuyên môn, đặc biệt là phòng cung cấp dịch vụ phải đạt theo chuẩn mà Bộ Y tế đã quy định; trang thiết bị, dụng cụ y tế phải được trang bị đầy đủ và luôn được vô khuẩn tốt; tủ thuốc dễ thấy, dễ lấy, tài liệu gọn gàng; người thực hiện các thủ thuật phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vô khuẩn. Hiện nay, nếu chấm theo bảng điểm thì các Trạm Y tế đã đạt chuẩn quốc gia thực hiện khá tốt các tiêu chí của Chương trình do cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư theo chuẩn, hầu hết các xã làm chưa tốt là do cơ sở vật chất hạ tầng xuống cấp, thiếu phòng chuyên môn hoặc chưa được đầu tư xây dựng; một số trạm y tế thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa nắm vững về chuyên môn nên đôi khi còn làm quá khả năng cho phép, khi xảy ra diễn biến bất thường rất khó xử lý.
Thực tế hiện nay cho thấy, phần lớn khoa sản tại các bệnh viện huyện, tỉnh đã triển khai tốt Chương trình GTVVTVSS. Vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh tại các phòng thủ thuật sạch sẽ, gọn gàng; trang thiết bị tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu chuyên môn; cán bộ, nhân viên tại khoa sản được đào tạo, tập huấn các kỹ năng cơ bản theo yêu cầu; các khoa đã có bảng hướng dẫn quy trình vô khuẩn và thực hiện đúng quy trình khử khuẩn, khử nhiễm. Tuy nhiên bênh cạnh đó vẫn còn một số khoa sản, đặc biệt là ở bệnh viện tuyến huyện làm chưa tốt công tác vô khuẩn và vệ sinh môi trường, phòng thực hiện thủ thuật nhỏ, bố trí phòng làm việc chưa hợp lý; nhiều bệnh viện đa khoa tuyến huyện thiếu đơn nguyên sơ sinh hoặc dụng cụ cần thiết để phục vụ cấp cứu sơ sinh; bệnh viện đa khoa các huyện: Phú Lương, Đại Từ, Phổ Yên thiếu bác sỹ chuyên khoa sản nên gặp nhiều khó khăn trong khâu chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.
Năm 2009, Chương trình GTVVTVSS tỉnh tiếp tục phát động phong trào xây dựng cơ sở y tế sạch, gọn, đẹp, trong đó tập trung vào các nội dung chính là: Nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động, gương mẫu của nhân viên y tế trong phong trào giữ gìn môi trường làm việc sạch sẽ, gọn gàng; thường xuyên vệ sinh khu vực xung quanh Trạm y tế; bảo đảm vệ sinh tại các phòng chuyên môn như: Phòng đẻ, phòng khám, phòng thủ thuật, phòng tư vấn, phòng tiếp đón bệnh nhân; giữ gìn tủ lưu trữ hồ sơ luôn sạch, gọn, dễ tìm, bổ sung kịp thời sổ sách biểu mẫu, ghi chép đầy đủ đúng các cột, mục; sắp xếp đồ dùng, trang thiết bị gọn gàng, ngăn nắp, đúng nơi quy định, thuận tiện khi sử dụng; bảo đảm thực hiện đúng quy trình phòng chống nhiễm khuẩn; thu gom rác thải và xử lý phù hợp theo điều kiện thực tế.
Để thực hiện tốt các nội dung trên cần có sự nỗ lực của ngành y tế trong việc kiện toàn bộ máy hoạt động tại các cơ sở y tế, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, trang thiết bị chuyên môn phù hợp, bố trí đủ cán bộ chuyên môn có tay nghề vững vàng tại các cơ sở y tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế chuyên môn, nhất là tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Cùng với đó rất cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương trong việc cùng với ngành Y tế đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, từng bước nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tử vong mẹ và tử vong sơ sinh trên địa bàn.