Các tỉnh ĐBSCL tập trung ứng phó với lũ đầu nguồn

19:43, 24/09/2009

Nước lũ Đồng bằng sông Cửu Long đang lên nhanh, gần mức báo động 2. Các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang gấp rút triển khai các biện pháp ứng phó với lũ.

 

Vấn đề đảm bảo an toàn cuộc sống và sản xuất được các địa phương đặc biệt quan tâm. Tỉnh An Giang vừa hoàn thành việc đưa 29.500 hộ dân vào các cụm, tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 1 an toàn. Đồng thời triển khai nâng cấp, sửa chữa hệ thống đê bao, cống, xây dựng mới kè chống sạt lở bờ sông Tiền, bảo vệ thị trấn Tân Châu, kè Vĩnh Xương, kè Long Xuyên;  33.000 hộ dân vùng ngập lũ tỉnh Tiền Giang đã có chỗ ở an toàn trước khi lũ thượng nguồn đổ về… Tỉnh Tiền Giang cũng hoàn thành xây dựng 800 cống, đập ngăn lũ kiên cố và bán kiên cố cùng 300 đập tạm ở các huyện: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, bảo vệ an toàn cho 55.000 ha vườn cây ăn trái và 45.000 ha lúa khi lũ và triều cường dâng cao.

 

Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đưa gần 36.000 hộ dân vào 204 cụm tuyến dân cư vượt lũ. Tỉnh thành lập hơn 400 đội cứu hộ cứu nạn với 2 nghìn 600 thành viên ứng trực tại các ngã 3, ngã 4 sông, vùng sạt lở, nước lũ chảy xiết, có nhiều tàu thuyền lưu thông để sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi cần thiết… Ngành nông nghiệp thực hiện phương án bảo vệ an toàn hơn 8 vạn ha lúa vụ 3, vườn cây ăn trái đặc sản và dịen tích nuôi thủy sản. Đến nay, 6 trong số 12 huyện, thị xã của tỉnh Đồng Tháp triển khai diễn tập phòng chống lụt bão khẩn cấp. Ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Đồng Tháp nói: “Đây là  giai đoạn lũ chính vụ, các chốt cứu hộ cứu nạn phải triển khai trực 24/24 để cứu hộ khi xuồng ghe qua có thể bị tai nạn. Đặc biệt năm nay phải diễn tập cấp xã ứng phó với lũ lớn và bão khẩn cấp của tất cả các huyện. 6 huyện thị xã còn lại sẽ diễn tập từ nay đến cuối tháng”.

 

Các hoạt động bảo vệ tính mạng cho người dân vùng lũ, nhất là trẻ em trong mùa nước nổi được chính quyền và ngành giáo dục triển khai tích cực. Tỉnh Đồng Tháp mở 167 điểm trông giữ trẻ  trong mùa lũ với hơn 3.000 cháu, tổ chức hơn 400 lớp tập bơi cho 12.000 trẻ em. Tỉnh An Giang cũng mở 160 lớp phổ cập bơi cho 8 nghìn trẻ em từ 6 đến 11 tuổi, góp phần hạn chế số trẻ em bị chết đuối trong mùa lũ.

 

Ông Âu Xuân Đôn, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết: “Hàng năm, chúng tôi tổ chức đào tạo các lớp hướng dẫn viên phổ cập bơi cho các cháu từ 6 đến 11 tuổi tại các huyện thị, ngành trong tỉnh, tổ chức chính vào dịp hè. Ngoài ra tổ chức các hội thi bơi cấp huyện cấp tỉnh, hỗ trợ cơ sở vật chất như phao bơi áo bơi, hỗ trợ các địa phương có hồ bơi lắp ghép phục vụ việc dạy bơi, chống đuối nước”.

 

Mực nước lũ Đồng bằng sông Cửu Long đang lên mức báo động 2. Tuy nhiên, theo Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, một vùng áp thấp đang hình thành ngoài khơi vùng biển Philippines và đang di chuyển theo hướng Tây, có khả năng gây mưa lớn cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên nước ta và vùng Hạ Lào, tác động trực tiếp đến đỉnh lũ đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

 

Bà Nguyễn Lê Hạnh, Phó trưởng Phòng dự báo, Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo: “Phải chờ diễn biến của vùng áp thấp ở phía đông Philippines, nếu nó tiếp tục vào biển đông và gây mưa ở vùng Tây Nguyên và hạ Lào thì có thể mực nước sẽ lên chậm trở lại. Không thành 1 đợt lũ có tính chất nguy hiểm mà chỉ là 1 đợt nước lên. Nếu vùng áp thấp không vào trong biển Đông hoặc đi lên phía Bắc thì có thể mực nước của ĐBSCL xuống rất chậm cho đến hết tháng 9 đầu tháng 10.”.