Chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi

14:56, 21/09/2009

Ngày 21/9, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phối hợp với Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo “Các mô hình xã hội hóa, chăm sóc phát huy vai trò người cao tuổi”.  

 

Dự Hội thảo có ông Nguyễn Tấn Trịnh, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; Đại diện Hội Người cao tuổi các tỉnh: Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Nam Hà, Hưng Yên, Hòa Bình và đại diện Hội Người cao tuổi các huyện, thị, thành phố; các câu lạc bộ chăm sóc người cao tuổi của tỉnh... Đồng chí Phùng Đình Thiệu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đến dự.

 

Tại Hội thảo, các ý kiến đều khẳng định: Người cao tuổi là một lực lượng đông đảo có nhiều tiềm năng quý giá, một lực lượng quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chăm sóc và phát huy vai trò tiềm năng của người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể và là nghĩa vụ của từng gia đình, của cộng đồng và toàn thể xã hội... Tuy nhiên, hệ thống điều dưỡng và phục hồi chức năng dành cho người cao tuổi còn nhiều bất cập, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam cần tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương điều tra đánh giá hiện trạng hệ thống y tế phục vụ người cao tuổi, như: Viện điều dưỡng và Phục hồi chức năng; các trại điều dưỡng, trại bảo trợ xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu và đào tạo cán bộ y tế về người cao tuổi, đặc biệt là về lão khoa và cán bộ, nhân viên điều dưỡng…

 

Thái Nguyên hiện có trên 100 nghìn người cao tuổi, chiếm gần 10% dân số, trong đó có hơn 9,3 nghìn người cao tuổi nghèo và hàng chục nghìn người ở diện cận nghèo. Thời gian vừa qua, một số dự án liên quan tới việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi được triển khai ở Thái Nguyên đã trực tiếp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi; đặc biệt là những người tham gia dự án đã được nâng cao hiểu biết, kỹ năng về hoạt động tăng thu nhập và tiếp cận với tín dụng; được tăng thêm hiểu biết về các quan điểm, chính sách và các hoạt động thực tế liên quan đến sức khỏe và thu nhập. Cùng đó, hoạt động của Dự án đã góp sức xóa đi kỳ thị, mặc cảm, xa lánh của người có HIV, ngăn chặn tệ nạn xã hội ở địa phương; giúp nhiều phụ nữ cao tuổi có con, cháu bị HIV được vay vốn làm kinh tế; các dự án này đã thu hút được sự quan tâm và tham dự của chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức Chính phủ các cấp và được coi như một mô hình phù hợp để phát triển cộng đồng.