Còn nhiều khó khăn trong thu phí môi trường

08:24, 18/09/2009

Qua đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường), hiện trên địa bàn Thái Nguyên có gần 100 công ty, xí nghiệp lớn và vừa, hơn 100 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, luyện kim, chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng…Song, phần lớn các cơ sở này đều không xử lý hoặc xử lý không triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường.

 

Theo quy định về thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải (tại Nghị định số 67, ngày 13-6-2003) của Chính phủ thì những đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Trong đó, nước thải công nghiệp là nước thải ra môi trường từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản; còn nước thải sinh hoạt là nước thải ra môi trường từ các hộ gia đình, tổ chức khác. Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được tính theo tỷ lệ % trên giá bán 1m3 nước sạch, nhưng tối đa không quá 10% của giá bán nước sạch (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp tính theo từng chất gây ô nhiễm có trong nước thải; lượng nước thải của đơn vị sản xuất; môi trường tiếp nhận nước thải đó.

                       

Qua đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường), hiện trên địa bàn tỉnh có gần 100 công ty, xí nghiệp lớn và vừa, hơn 100 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, luyện kim, chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng…Song, phần lớn các cơ sở này đều không xử lý hoặc xử lý không triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường. Để thực hiện thu được phí bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có hướng dẫn, triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ, UBND tỉnh về công tác thu phí BVMT. Trong đó, quy định rất rõ các đối tượng nộp phí phải kê khai số phí nộp hàng tháng với Sở TN&MT trong vòng 10 ngày đầu của quý tiếp theo và đảm bảo tính chính xác của việc kê khai; nộp đủ, đúng hạn số tiền phí phải nộp, nhưng chậm nhất không quá 20 ngày của quý tiếp theo. Bên cạnh đó, Sở đã rà soát các đơn vị thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, lập sơ bộ danh sách các đơn vị phải nộp. Hàng quý, Sở ra thông báo số phí phải nộp cho các đơn vị. Nhìn chung, một số đơn vị sản xuất kinh doanh (SXKD) đã ý thức được công tác BVMT nên đã thực hiện kê khai, nộp đầy đủ theo quy định. Vì vậy, các đơn vị nộp tờ khai và nộp phí tăng dần qua các năm: Năm 2004 mới có 30 DN nộp với số phí thu được hơn 395 triệu 581 nghìn đồng; năm 2006, đã  có 56 đơn vị nộp phí với tổng kinh phí thu được trên 739 triệu 613 nghìn đồng. Từ năm 2007, do có thay đổi về bãi bỏ thu phí với 1 chỉ tiêu ô nhiễm (BOD) và một số văn bản có sự sửa đổi, bổ sung chưa có căn cứ để tính toán, Chi cục Bảo vệ Môi trường lại phải tạm tính để thu phí đối với nước thải công nghiệp nên số tiền thu phí có giảm so với năm trước (tổng kinh phí thu được trên 473 triệu 445 nghìn đồng, bằng 55,7% kế hoạch năm, bằng 64% so với năm trước. Năm 2008 số thu lại tăng lên trên 1 tỷ 57 triệu đồng với 65 đơn vị nộp phí; 8 tháng đầu năm 2009, có 46 đơn vị nộp phí với số thu 450 triệu đồng.      

 

Chị Trần Thị Minh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết: Mặc dù Chi cục đã cố gắng rất nhiều trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức; đôn đốc, kiểm tra, thẩm định thực tế tại các đơn vị nhưng số phí thu được so với tiềm năng còn hạn chế. Tuy nhiên, so với một số tỉnh khác thì Thái Nguyên lại thu khá cao (so sánh số thu năm 2007: Thái Nguyên thu được 473 triệu 446 nghìn đồng. Trong khi đó Bắc Cạn chỉ thu được 40 triệu đồng; Hà Nội có nhiều doanh nghiệp cơ sở sản xuất cũng chỉ thu được 250 triệu đồng; Hà Nam 146 triệu đồng; Tuyên Quang 36 triệu đồng; Vĩnh Phúc 157 triệu đồng). Qua công tác thu phí BVMT đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về BVMT của các đơn vị SXKD. Nhiều đơn vị đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; đổi mới dây chuyền công nghệ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước trong sản xuất nên đã giảm mức phí nước thải phải nộp. Song nếu đơn vị nào không chấp hành tốt các quy định về BVMT thì phải nộp phí tăng lên. Đây cũng là một trong những lý do số thu phí BVMT có thể giảm hoặc tăng từng năm   

 

Thuận lợi với Thái Nguyên là có Chi cục BVMT, đội ngũ cán bộ trẻ, có kiến thức chuyên sâu về môi trường; có các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu phân tích các chỉ tiêu ô nhiễm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn gặp không ít khó khăn do một số đơn vị nộp tờ khai chậm so với quy định; kê khai thải lượng và chỉ số thấp hơn thực tế; chưa tự giác thực hiện chế độ nộp phí, thường để các cơ quan thu phí đôn đốc nhiều lần. Bên cạnh đó Nhà nước chưa có chế tài bắt buộc các đối tượng thuộc diện phải nộp phí kê khai, nộp phí theo đúng thời hạn quy định, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, các tổ hợp sản xuất nhỏ lẻ. Việc lấy mẫu, xác định thải lượng của các đơn vị SXKD chỉ là ngẫu nhiên, việc lấy mẫu trong thời gian dài chưa thực hiện được. Kinh phí cho mỗi lần lấy mẫu hàng triệu đồng, trong khi đó, phí BVMT của các đơn vị nộp chỉ vài trăm nghìn đồng nên nhiều khi Chi cục BVMT cũng phải "cân nhắc" vì không thể đủ kinh phí trang trải. Vẫn còn nhiều đơn vị kê khai thiếu trung thực, thậm chí còn có biểu hiện đối phó (do có quy định khi cơ quan chức năng lấy mẫu đều phải thông báo trước cho cơ sở sản xuất nên một số đơn vị đã cho rửa bể xử lý trước khi kiểm tra, khảo sát, thẩm định). Qua công tác thẩm định cho thấy, việc tự kê khai của nhiều đơn vị không đúng với thực tế sản xuất. Tất cả các đơn vị sau khi thẩm định số phí phải nộp đều tăng lên mức tăng trung bình từ 30% đến 100%, có đơn vị tăng hơn 500%. Đơn cử như năm 2008, Chi cục BVMT đã phát hiện tại Công ty cổ phần Giấy Xuất khẩu xây dựng đường cống ngầm xả thải xuống sông Cầu, Chi cục đã truy thu 340 triệu đồng phí BVMT.

 

Công tác thu phí BVMT là hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất kinh doanh và các hộ gia đình, các cơ quan đơn vị, có thải lượng ra môi trường không đảm bảo. Hiện nay, Chi cục BVMT đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa công tác thu phí BVMT vào nề nếp, đạt kết quả cao. Song, vấn đề tiếp tục tuyên truyền cho người dân và các cơ sở SXKD có nước thải công nghiệp vẫn là hàng đầu để nâng cao nhận thức, đề ra biện pháp khắc phục, BVMT nơi sản xuất nói riêng và môi trường sống nói chung. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những đơn vị, hộ gia đình, các tổ chức có vi phạm cũng là biện pháp tốt để ngăn ngừa.