Công tác dân số ở một xã vùng cao

09:04, 13/09/2009

Trở lại Văn Lăng - một xã vùng cao của huyện Đồng Hỷ lần này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì những chuyển biến trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), số phụ nữ áp dụng các biện pháp tránh thai đã tăng lên, tỷ lệ sinh con thứ ba giảm nhiều… đặc biệt là tỷ lệ sinh của địa phương thấp hơn so với kế hoạch được giao.    

 

Trở lại Văn Lăng - một xã vùng cao của huyện Đồng Hỷ lần này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì những chuyển biến trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), số phụ nữ áp dụng các biện pháp tránh thai đã tăng lên, tỷ lệ sinh con thứ ba giảm nhiều… đặc biệt là tỷ lệ sinh của địa phương thấp hơn so với kế hoạch được giao.

 

Chỉ vài năm trước đây thôi, khi đến Văn Lăng, mọi người nghĩ ngay đến việc đẻ nhiều, đẻ dày của bà con dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc Mông sinh sống ở những xóm, bản vùng sâu, vùng xa: Bản Tèn, Mỏ Nước, Liên Phương, Khe Hai, Khe Rạc… đường sá đi lại khó khăn, có những xóm cách trung tâm xã hàng chục kilomet… Đó là thông tin của những năm trước, còn hiện tại thì đã khác rất nhiều.

 

Xin nêu một ví dụ về chuyển biến trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở Bản Tèn - một bản có trên 90% dân tộc Mông sinh sống. Bản có 82 hộ với 504 khẩu, với trên 60% số hộ thuộc diện nghèo. Vài năm trước đây, năm nào bản cũng có hàng chục trường hợp sinh con thứ ba, phụ nữ không áp dụng các biện pháp tránh thai vì cho rằng việc sinh đẻ là bản năng tự nhiên của con người. Còn đàn ông trong bản cũng không mấy quan tâm vì cho đó là việc của phụ nữ. Vì thế có chị đã đẻ tới 10 đứa con mới quyết định đi triệt sản. Với đặc thù của dân tộc Mông là sinh sống trên núi cao, bà con lại làm nhà rải rác theo sườn núi nên việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện công tác dân số - KHHGĐ vốn đã khó nay lại càng thêm khó. Để thông báo được cho 82 hộ dân đến tập trung tại nhà văn hóa nghe cán bộ dân số xã tuyên truyền thì cộng tác viên dân số phải có mặt ở bản hơn 1 ngày mà không mấy khi chị em đến dự đủ.

 

Anh Vương Hồng Tô, làm cộng tác viên dân số của bản 15 năm nay cho hay: Cuối năm 2007, Bản Tèn được tăng cường thêm một cộng tác viên dân số là chị Vương Thị My nên việc tuyên truyền, vận động các hộ dân cũng dày hơn. Là nam giới nên tôi có điều kiện để vận động anh em áp dụng các biện pháp tránh thai để giảm gánh nặng cho phụ nữ. Vì thế, năm 2008, cả bản chỉ có 3 trường hợp sinh con thứ ba và từ đầu năm đến nay mới có 2 trường hợp; số người áp dụng các biện pháp tránh thai tăng so với năm trước; phụ nữ không sinh con ở nhà như trước đây mà đã đến trạm y tế của xã; trẻ em cũng được tiêm phòng đầy đủ…

 

Không chỉ có sự chuyển biến về công tác dân số ở Bản Tèn mà hầu hết các xóm, bản của Văn Lăng nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi. Chị Đỗ Thị Xuyến, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết: Hơn mười năm làm công tác dân số - KHHGĐ ở địa phương thì hầu như năm nào cũng bị phê bình vì tỷ lệ sinh con thứ ba nhiều, số người áp dụng các biện pháp tránh thai đạt thấp… Nhưng vài năm trở lại đây, có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác này nên nhận thức của người dân đã khác trước. Qua hai đợt chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản hàng năm, số phụ nữ tham gia đã đông hơn, họ đã quan tâm hơn đến sức khỏe của mình và sự học hành của con trẻ. Tính đến thời điểm này, xã có 2.239 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó có 882 phụ nữ có chồng. Số người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại gần trên 70% (đặt vòng 489 trường hợp, triệt sản, đình sản 34 trường hợp, sử dụng bao cao su 74 trường hợp, dùng thuốc 108 trường hợp, cấy thuốc tránh thai 3 trường hợp), còn 251 trường hợp chưa sử dụng các biện pháp nào… Năm 2008, xã có 83 trẻ được sinh ra, giảm 3 trẻ so với năm 2007… Trong kế hoạch của huyện giao cho xã năm nay là sinh 81 cháu, nhưng đến giữa tháng 9, cả xã mới sinh 43 cháu, từ nay đến cuối năm sẽ có 37 cháu nữa chào đời. Như vậy xã tỷ lệ sinh của xã sẽ thấp hơn so với kế hoạch giao.

 

Những con số trên đang báo hiệu một sự chuyển biến tích cực trong công tác dân số - KHHGĐ ở Văn Lăng. Sự chuyển biến ấy có đóng góp không nhỏ của đội ngũ cộng tác viên dân số ở 16 xóm, bản, nhất là những xóm, bản vùng sâu, vùng xa. Cũng theo chị Xuyến thì việc tăng cường cộng tác viên dân số ở những xóm bản vùng sâu, vùng xa, đông dân là hết sức cần thiết và cũng nên tăng phụ cấp cho những người làm công tác dân số để họ nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt Pháp lệnh Dân số, dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt.