Đa số người khuyết tật phải sống phụ thuộc vào người thân do không có khả năng lao động hoặc lao động nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Để giúp đỡ người khuyết tật bớt khó khăn trong cuộc sống, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã, đang thực hiện việc trợ cấp thường xuyên cho người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo và tổ chức dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật theo quy định của Nhà nước.
Hội người Tàn tật T.P Thái Nguyên hiện có hơn 250 hội viên, hầu hết đều là người khuyết tật hệ vận động nên ngay việc sinh hoạt cá nhân hàng ngày đã gặp nhiều khó khăn chứ chưa nói tới chuyện lao động để kiếm sống. Những người khuyết tật nỗ lực để làm được một số công việc như: sửa chữa xe đạp, bán đồ ăn sáng, trạm khắc bia đá…thì cuộc sống cũng rất khó khăn do thu nhập thấp và không ổn định. Để giúp đỡ người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, những năm gần đây, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND 9 huyện, thành, thị chọn lựa những người khuyết tật có đủ sức khỏe, nghị lực để đào tạo nghề miễn phí. Quá một số lớp đào nghề cho người khuyết tật như: vi tính văn phòng, thêu ren, làm đồ thủ công mỹ nghệ đã có một số người tìm được việc làm phù hợp hoặc chí ít cũng chuận bị tạo cho mình một nghề mới.
Ông Phạm Gia Lộc, Chủ tịch Hội người Tàn tật T.P Thái Nguyên cho biết: “Trình độ văn hóa, nhận thức đều hạn chế nên việc tiếp thu, vận dụng được kiến thức trong quá trình học nghề là cả một quá trình đối với người khuyết tật. Do vậy khi được Nhà nước hỗ trợ dạy nghề miễn phí một người khuyết tật vẫn không dám tham gia nên chúng tôi phải đến tận nhà động viên. Hiện đã có khoảng 20% số hội viện của Hội tham gia các lớp học nghề do các cơ quan chức năng của tỉnh và T.P Thái Nguyên tổ chức và rất vui là có người đã tìm được việc làm, tự nuôi được bản thân…”.
Bình quân mỗi năm, ngân sách Nhà nước hỗ trợ để dạy nghề miễn phí cho khoảng 300 người tàn tật trên địa bàn tỉnh nhưng việc tổ chức thành các lớp học cũng không dễ. Bởi người tàn tật có nhiều dạng khác nhau như câm, điếc, khuyết tận hệ vận động nên chọn được những đối tượng có sức khỏe, nhận thức gần giống nhau để tổ chức dạy nghề không hề dễ. Việc đi lại của người khuyết tật cũng không thuận lợi, nhiều người phải đưa, đón nên thường phải tổ chức dạy nghề ngay tại các khu dân cư trong khi kinh phí hỗ trợ lại hạn chế.
Anh Nguyễn Văn Tý, xã Mỹ Yên (Đại Từ) cho biết: “Tôi đi lại hàng ngày bằng xe lăn nên nếu tổ chức dạy nghề ngay tại trung tâm xã thì có thể tự đi được còn phải ra tận trung tâm huyện hộc nghề phải có người đưa đi hoặc ăn ở tại chỗ mà điều kiện kinh tế của gia đình lại không cho phép. Nhưng nguyện vọng của tôi rất muốn học lấy một nghề để có thể tự nuôi bản thân và phụ giúp gia đình”. Ngoài việc triển khai việc dạy nghề cho người khuyết tật gặp khó khăn thì số lượng người khuyết tật trong tỉnh được học nghề miễn phí hàng năm cũng rất thấp.
Theo số liệu các cơ quan chuyên môn hiện tổng số người khuyết tật của tỉnh là trên 25 nghìn người, trong đó, có khoảng 40% số người khuyết tật đủ điều kiện về sức khỏe, nhận thức để học những nghề đơn giải như: sửa chữa xe máy, xe đạp, gia công cơ khí, may mặc, thêu ren, đan lát…nhưng nguồn ngân sách mới đáp ứng được cho khoảng 300 người/năm.
Đồng chí Lê Ngọc Liên, Trưởng phòng Bảo trợ (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: “Việc dạy nghề cho người tàn tật được thực hiện theo phương thức các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch gửi cho Sở và căn cứ vào đó chúng tôi phân chỉ tiêu. Thường thì các Trung tâm Dạy nghề cấp huyện sẽ có trách nhiệm phối hợp với các phường, xã, thị trấn để tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật”.
Trong điều kiện Nhà nước chưa đủ khả năng hỗ trợ thường xuyên cho 100% người khuyết tật và mức hỗ trợ còn thấp thì việc tăng chỉ tiêu dạy nghề cho đối tượng này là hết sức cần thiết. Song bên cạnh việc dạy nghề, các cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ này cũng nên định hướng vấn đề việc làm cho người khuyết tật sau khi đã được học nghề để phát huy hiệu quả hơn nữa công tác này. Cùng với đó nên xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế của người khuyết tật có sự hỗ trợ của Nhà nước để người khuyết tật tham quan, vận dụng, nhân rộng.