Đáp ứng đủ vốn vay xây "nhà 167"

17:45, 28/09/2009

Theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở thì Ngân hàng Chính sách-Xã hội là đơn vị đứng ra cho các hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ làm "nhà 167" vay vốn với mức tối đa là 8 triệu đồng/ nhà.

 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Hồng, Phó phòng Kế hoạch-Nghiệp vụ (Ngân hàng Chính sách - Xã hội Thái Nguyên), thành viên Tổ giúp việc - Ban Chỉ đạo 167 của tỉnh về vấn đề chủ động nguồn vốn và phương án giải ngân năm 2009.

           

PV: Hiện nay, Ngân hàng đã chủ động nguồn vốn vay làm "nhà 167" là bao nhiêu và hình thức phân bổ như thế nào, thưa ông?

 

Ông Lê Văn Hồng: Ngay từ tháng 6/2009, nguồn vốn cho vay theo Quyết định 167 của Chính phủ đã được Trung ương giao về cho Ngân hàng. Lúc đầu là 24 tỷ đồng, tương ứng với 3.000 hộ nghèo trong diện được hưởng hỗ trợ xây "nhà 167" của toàn tỉnh. Sau khi các địa phương rà soát lại, đã bổ sung thêm 567 hộ nữa thuộc diện xây "nhà 167" nên Ngân hàng đã làm tờ trình gửi Trung ương xin bổ sung đáp ứng số vốn tương ứng với số hộ phát sinh. Như vậy, tổng cộng nguồn vốn vay được cấp cả hai lần là 28.536 triệu đồng. Hiện tại, Ngân hàng đã giao vốn về tất cả các điểm giao dịch tại các huyện thành thị, sẵn sàng giải ngân. Các địa phương có tỷ lệ vốn vay nhiều nhất (dựa trên số hộ được hỗ trợ làm "nhà 167") là Phú Lương 6.300 triệu đồng, Định Hoá 5.750 triệu đồng, thấp nhất là Phú Bình 2.520 triệu đồng và Đồng Hỷ, Võ Nhai đều là 2.940 triệu đồng.

 

PV: Mặc dù vốn vay đã được bàn giao về Ngân hàng từ tháng 6-2009, nhưng được biết đến nay vẫn chưa có hộ dân nào vay vốn. Vậy, nguyên nhân do đâu?

 

Ông Lê Văn Hồng: Quả là có nhiều hộ dân đã xây xong nhà nhưng chúng tôi chưa giải ngân được bởi nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương phân bổ cho các huyện, thành, thị vẫn chưa triển khai xong. Theo Quyết định 167 thì vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương là 8,4 triệu đồng/nhà. Để đảm bảo nguồn vốn vay được các hộ dân sử dụng đúng mục đích, chúng tôi sẽ cho vay đồng thời cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Đến thời điểm này, Phổ Yên là huyện có số hộ hoàn thiện "nhà 167" nhiều nhất với khoảng 120 ngôi nhà. Ngày 23-9 vừa qua, Ngân hàng đã có công văn gửi Trưởng Ban Chỉ đạo 167 của huyện đề nghị giải ngân nhanh nguồn vốn từ ngân sách và yêu cầu Ngân hàng Chính sách - Xã hội Phổ Yên sẵn sàng xuất vốn cho vay, ưu tiên 120 hộ dân đã xây nhà hoàn thiện vay trước.

 

PV: Xin ông cho biết chính sách vay vốn xây "nhà 167" năm nay có gì đặc biệt?

 

Ông Lê Văn Hồng: Theo quy định thì mỗi hộ được vay tối đa là 8 triệu đồng. 5 năm đầu vay vốn hộ dân đó chưa phải trả lãi, từ năm thứ 6 trở đi mới trả lãi (trong đó có lãi của cả 5 năm trước)và hết 10 năm mới phải hoàn trả toàn bộ cả gốc và lãi. Lãi suất cho vay là 3%/năm (tương đương với lãi suất 0,25%/tháng). Năm nay có thuận lợi là nếu hộ nào vay vốn trong khoảng thời gian từ 1-5 đến 31-12-2009 thì sẽ được hưởng lãi suất bằng không trong hai năm đầu (theo Quyết định 579/QĐ-TTg và Quyết định 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay của Ngân hàng Chính sách-Xã hội). Những hộ dân xây "nhà 167" năm nay sẽ nằm trong diện được hưởng lợi từ chính sách trên. Theo tính toán của chúng tôi, từ nay đến cuối năm nếu giải ngân hết số vốn 28.536 triệu đồng theo kế hoạch thì lượng lãi suất mà các hộ dân được hưởng (đáng lẽ phải thanh toán cho Ngân hàng) trong hai năm tới sẽ là trên 1.700 triệu đồng.

 

PV: Số lượng hộ dân tham gia vay vốn làm "nhà 167" năm nay chắc chắn không phải ít. Vậy các thủ tục vay vốn có được đơn giản hoá không?

 

Ông Lê Văn Hồng: Tôi khẳng định các thủ tục, hồ sơ vay vốn cực kỳ đơn giản. Mỗi hộ nghèo hầu như đã có sẵn một sổ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách-Xã hội nên việc triển khai rất dễ dàng. Ngân hàng đã có mẫu sẵn, người tham gia vay vốn chỉ việc điền vào đó và lấy chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn là cơ bản hoàn tất hồ sơ. Chúng tôi có danh sách các hộ dân được hưởng hỗ trợ xây "nhà 167" theo Quyết định phê duyệt của tỉnh nên cũng dễ dàng đối chiếu, xác minh đối tượng. Hơn nữa, các tổ vay vốn của Ngân hàng tại cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn từng hộ dân các thủ tục vay vốn theo đúng quy định ngay từ đầu. Sau khi hoàn tất các hồ sơ (từ 2 đến 5 ngày), chúng tôi sẽ tổ chức giải ngân trực tiếp tại các điểm giao dịch của Ngân hàng tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn…

PV: Giả sử có trường hợp sử dụng vốn sai mục đích thì cách giải quyết của Ngân hàng ra sao thưa ông?

           

Ông Lê Văn Hồng: Chúng tôi sẽ tích cực phối với chính quyền địa phương tăng cương kiểm tra, rà soát các đối tượng vay vốn. Nếu phát hiện có trường hợp sử dụng không đúng mục đích, Ngân hàng sẽ chấm dứt hợp đồng và tổ chức thu hồi lại vốn vay. Bắt đầu từ tháng 10-2009, chúng tôi sẽ tập trung cao độ giải ngân theo nhu cầu của người dân.

 

PV: Xin cảm ơn ông!