Được và chưa được

10:11, 04/09/2009

Những năm qua, hoạt động  khoa học công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhất định song còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực KHCN và trình độ sản xuất còn hạn chế; hoạt động KHCN tại các huyện, thành, thị, các xã, thị trấn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới…

 

Qua trao đổi với những người làm công tác quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ (KHCN), chúng tôi đã nhận được rất nhiều thông tin vui. Một trong những kết quả đầu tiên phải kể đến là thời gian qua, các huyện, thành, thị trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động ứng dụng KHCN của địa phương (chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn).

 

Kết quả các đề tài, dự án triển khai trong lĩnh vực này đã góp phần quan trọng vào quá trình CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, hoạt động về lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã được cơ quan quản lý Nhà nước và người dân Thái Nguyên quan tâm. Cụ thể, Sở KHCN đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và các cơ sở triển khai xây dựng và được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "chè Thái Nguyên", nhãn hiệu tập thể "gạo Bao thai Định Hóa"; Bảo hộ chỉ dân địa lý chè Tân Cương. Theo đó, với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về KHCN, Sở đã phối hợp với các huyện, thành, thị triển khai các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ và thông tin KHCN đến cơ sở; tuyền truyền vận động triển khai phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến kỹ thuật, lựa chọn các tiến bộ KHCN phù hợp để áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Qua đó đã thu được nhiều kết quả khả quan. Đơn cử như, thị xã Sông Công đã có 4 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh khen, trong đó có 1 giải Nhất và 3 giải Ba trong năm 2008…

 

Thực hiện việc quản lý hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, hiện, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở KHCN đã trang bị được 14 cân đối chứng tại 14 chợ trên địa bàn 7 huyện, thành phố, thị xã nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng; Thanh tra Sở KHCN phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác thanh, kiểm tra về đo lường chất lượng hàng hóa; UBND các huyện, thành, thị giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì thường xuyên việc kiểm tra về chất lượng các mặt hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ sở kinh doanh… Cùng với những kết quả trên, hiện nay, UBND các huyện, thành, thị đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình thực hiện công việc. Cụ thể là việc sử dụng mạng nội bộ, trong đó thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công… đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hành chính, văn thư lưu trữ. Cán bộ các phòng, ban cấp huyện của tỉnh đều ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc và sử dụng để truyên truyền, phổ biến KHKT cho nông dân. Theo đó, các địa phương rất tích cực trong việc ứng dụng KHCN vào thực tiễn cuộc sống như các dự án trồng nấm, sản xuất lúa giống, chăn nuôi gà Tam Hoàng… Ở các huyện: Đại Từ, Phổ Yên, Đồng Hỷ và thị xã Sông Công. Đặc biệt, Trạm Khuyến nông và Phòng Nông nghiệp và PTNT ở một số huyện rất nhiệt tình trong hoạt động ứng dụng các tiến bộ KHCN, đơn cử như huyện Phổ Yên nhiều năm liền đồng thời tiếp thu nhiều dự án từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Riêng năm 2007 và 2008, nguồn kinh phí để thực hiện các dự án liên quan đến ứng dụng KHCN của huyện lên tới gần 2 tỷ đồng…

 

Mặc dù đã đạt được những kết quả như nêu trên song một thưc tế cần phải khẳng định là: những năm qua, hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực KHCN và trình độ sản xuất còn hạn chế, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế nên việc cân đối ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động KHCN tại các huyện, thành, thị, các xã, thị trấn mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của tỉnh trong gia đoạn mới. Ở cấp cơ sở, mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của KHCN trong việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhưng nhiều nơi, các phòng chuyên môn tham mưu cho UBND cấp huyện về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực KHCN còn hạn chế do chưa có cán bộ chuyên trách tham mưu xây dựng kế hoạch hoạt động và các đề án về KHCN; các huyện, thành, thị còn thiếu chủ động trong việc đề xuất triển khai các nhiệm vụ KHCN; đôi khi sự phối hợp giữa các trường đại học với các đơn vị KHCN và địa phương trong quá trình triển khai các chương trình, dự án chưa kịp thời. Ngân sách dành cho hoạt động KHCN cấp tỉnh và cấp huyện còn hạn chế, hiện chưa có quy định cụ thể về chi ngân sách cho hoạt động KHCN cấp huyện, thành phố, thị xã; nhận thức của một bộ phận người dân về vấn đề này còn hạn chế trong khi công tác tuyên truyền, khuyến cáo cho nhân dân lại chưa thường xuyên, chưa có sự kích cầu thỏa đáng cho việc ứng dụng các tiến bộ KHCN trên địa bàn…

 

Chính những khó khăn trên đã khiến cho việc nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng KHCN vào thực tiễn ở tỉnh ta còn rất hạn chế. Bởi vậy để hoạt động KHCN thật sự mang lại hiệu quả thiết thực, theo ông Nguyễn Văn Mão, một người dân ở xã Cổ Lũng (Phú Lương) đã từng tham gia một số dự án được triển khai ở địa phương như ứng dụng KHCN vào sản xuất lúa, chăn nuôi: Chúng tôi rất cần các ngành chức năng có cơ chế hỗ trợ hợp lý cho những cá nhân tham gia các mô hình ứng dụng KHCN triển khai ở địa phương. Cùng với những mong muốn đó của người dân, các cấp, ngành liên quan cần giúp cơ sở định hướng và xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, quản lý chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn tthực phẩm; ứng dụng KHCN trong việc quy hoạch nông nghiệp và PTNT, phát triển làng nghề, xây dựng trang trại, phân tích mẫu đất xây dựng bản đồ thổ nhưỡng. Đồng thời với đó, cần có cơ chế hỗ trợ nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng KHCN trong các lĩnh vực: vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường nông nghiệp, nông thôn, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, cải tạo vườn tạp, rừng thâm canh và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân…