Đại Từ là huyện miền núi với 31 xã, thị trấn, dân số trên 169 nghìn người, trong đó độ tuổi thanh niên khoảng 30 nghìn người, chủ yếu là thanh niên nông thôn. Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tuổi trẻ ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, góp phần tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nhiệm kỳ này (2004-2009), Hội LHTN huyện đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên thanh niên thông qua nghiên cứu Luật Thanh niên và chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2005-2010, Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH mà nổi bật là việc triển khai có hiệu quả cuộc vận động "Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác", "Tiếp lửa truyền thống mãi mãi tuổi hai mươi", “Âm vang Điện Biên”… với 5 cuộc thi lớn, 22 cuộc thi tìm hiểu chuyên đề, thu hút trên 86 nghìn lượt đoàn viên thanh niên tham gia...
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn triển khai nhiều hoạt động như du khảo về nguồn, thăm các di tích lịch sử, uống nước nhớ nguồn, gặp mặt nhân chứng lịch sử… đã có tác dụng tích cực, nâng cao nhận thức chính trị cho hội viên thanh niên, từ đó giúp thanh niên chủ động, quan tâm và có trách nhiệm hơn với những vấn đề của đất nước. Các hoạt động giáo dục pháp luật được tổ chức Hội duy trì với hoạt động của 31 đội thanh niên xung kích, 5 đội thanh niên tuyên truyền về an toàn giao thông, 5 câu lạc bộ giáo dục pháp luật… với 35 lượt diễu hành cổ động tuyên truyền về an toàn giao thông trên Quốc lộ 37, 18 hội thi tìm hiệu về Luật Hôn nhân gia đình; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Giao thông đường bộ…
Với 5 cuộc vận động của tổ chức Hội đề ra đầu nhiệm kỳ đã các hội viên thực hiện có hiệu quả. Tiêu biểu là cuộc vận động thanh niên đi đầu trong xã hội học tập, bên cạnh việc các hội viên chủ động đăng ký học tập các lớp lý luận chính trị, chuyên môn, tổ chức Hội còn lồng ghép với phong trào học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp của tổ chức Đoàn; xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài với số tiền trên 200 triệu đồng; duy trì diễn đàn định hướng cho đoàn viên khối 12 các trường THPT lựa chọn ngành nghề cho tương lai; phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho thanh niên nông thôn, xây dựng các ô mẫu, các trang trại theo hướng công nghiệp; phối hợp thực hiện chương trình xuất khẩu lao động… Có kiến thức, lại được tạo điều kiện vay vốn thông qua nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (11,1 tỷ đồng), từ nguồn vốn tự giúp đỡ nhau (trên 300 triệu đồng) đã xuất hiện nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi như: Mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc của đoàn viên Triệu Quang Hưởng (xóm Tiền Phong, xã Đức Lương), mô hình sản xuất đồ mộc gia dụng của thanh niên Nguyễn Thanh Hải (xóm Trại, xã Bình Thuận), mô hình trồng chè kết hợp ươm cây giống của đoàn viên Đỗ Thị Quỳnh Trang (xóm Bậu 2, xã Văn Yên)…
Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cho gia đình, các cơ sở Đoàn, Hội còn triển khai cuộc vận động thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng mà cao điểm là dịp hè và tháng thanh niên hàng năm. Thông qua tổ chức lao động tình nguyện với hàng nghìn ngày công tu sửa 85km đường giao thông nông thôn, san lấp 355m3 đất đá, nạo vét 36km kênh mương, thăm hỏi tặng quà 238 lượt gia đình chính sách, vận động 1.120 hội viên, thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc…
Có thể khẳng định trong nhiệm kỳ qua, các hoạt động của Hội đã phát huy được tính sáng tạo, chủ động, khơi dậy tinh thần xung kích, tình nguyện, tích cực của tuổi trẻ góp phần tạo nên diện mạo mới của phong trào thanh niên trong thời kỳ hội nhập, đưa phong trào thanh niên trở thành hành phong trào hoạt động sôi nổi, góp phần mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên.