Thái Nguyên hiện có các nhà máy, xí nghiệp chế biến và tiêu thụ gỗ như: Nhà máy ván dăm Lưu Xá, Công ty cổ phần Lâm sản Thái Nguyên, Mỏ than Làng Cẩm… có nhu cầu tiêu thụ 60 nghìn mét khối gỗ mỗi năm. Tuy nhiên nhiều năm nay, Thái Nguyên chưa đáp ứng được nhu cầu đó.
Xuất phát từ thực tế này, Phú Lương đã xây dựng Dự án Hỗ trợ trồng rừng sản xuất giai đoạn 2009-2010. Với nhiệm vụ cụ thể là trồng và chăm sóc 4.214ha keo Tai tượng, Dự án nhằm đáp ứng và khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng và chế biến lâm sản theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; giải quyết một phần việc làm, tăng thu nhập cho người trồng rừng và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, thúc đẩy và ổn định thị trường cung cấp giống cây trồng rừng, dịch vụ kỹ thuật và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản.
Vùng Dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng bao gồm 16 xã, thị trấn trong huyện. Trong đó, năm 2009, Phú Lương đã trồng mới được 500ha rừng sản xuất; năm 2010 sẽ trồng 464ha; từ năm 2011, đến năm 2015 mỗi năm trồng 474 đến 476ha trên đất không có rừng. Với những diện tích rừng trồng kém chất lượng, trung bình mỗi năm tiếp theo, Dự án sẽ trồng mới trên 100ha năm. Với loại rừng đến tuổi khai thác, từ năm 2011-2015, mỗi năm Dự án trồng trên 50ha.
Nhằm phục vụ cây giống cho Dự án, huyện sẽ xây dựng 2 vườn ươm giống cây lâm nghiệp tại xã Động Đạt với diện tích 0,6ha và xã Phấn Mễ với diện tích 0,5ha. Tổng kinh phí thực hiện Dự án là trên 59 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước hơn 9,8 tỷ đồng, còn lại là từ các nguồn vốn khác. Suất hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất đối với các tổ chức, cá nhân trồng rừng là 1,8 triệu đồng/ha. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng chủ động đầu tư và hưởng lợi trực tiếp từ việc trồng rừng, được phép khai thác và chế biến lâm sản. Dự án ưu tiên cho các hộ dân đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển lâm nghiệp một cách đồng đều trên địa bàn huyện.
Theo tính toán, từ khi kết thúc Dự án (năm 2016) trở đi, mỗi năm huyện sẽ khai thác và tiếp tục trồng mới 600ha. Nếu tính bình quân mỗi héc - ta cho sản lượng 70 đến 80 mét khối gỗ thì từ năm 2016 trở đi, mỗi năm rừng trồng của Dự án sẽ cung cấp khoảng 45 nghìn mét khối gỗ, góp phần giải quyết nhu cầu gỗ củi và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân vùng Dự án…