Hoàn thiện chế độ với nạn nhân chất độc da cam

19:40, 24/09/2009

Tại buổi làm việc với các bộ, ngành Trung ương nhằm đánh giá tình hình và tìm ra các giải pháp khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện các chế độ, chính sách đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cho các đối tượng này.

 

Theo Phó Chủ tịch nước, Bộ Y tế cần sớm có những nghiên cứu để đưa ra tiêu chí xác định nạn nhân chất độc da cam/dioxin, qua đó giúp thống kê chính xác số người bị phơi nhiễm. Bộ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật do ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin.

 

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về thực hiện chế độ, chính sách cho các nạn nhân chất độc da cam/đioxin; làm tốt công tác tuyên truyền về chế độ, chính sách, đối tượng…; đồng thời nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ sửa đổi chế độ chính sách hiện đang bất cập như nhóm đối tượng, chế độ được hưởng.

 

Bộ Ngoại giao cần tiếp tục đấu tranh mạnh bằng đối ngoại.

 

Hội Chữ thập đỏ và Hội Nạn nhân chất độc da cam cần xây dựng quy chế phối hợp hoạt động, cần xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn góp phần hỗ trợ tốt nhất cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thi Doan cho biết, các báo cáo, kiến nghị giải pháp của các bộ, ngành sẽ được Văn phòng Chủ tịch nước tổng hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

 

Theo số liệu thống kê của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ở Việt Nam có 4,8 triệu người bị nhiễm độc hóa học, bao gồm cả những người tham gia kháng chiến và người dân sinh sống trên địa bàn bị rải chất độc hóa học.

 

Hàng năm, Nhà nước đã chi khoảng 800 tỷ đồng cho việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học. Tính đến 6/2009, đã có 175.000/600.000 nạn nhân tham gia kháng chiến là người có công và con của họ được hưởng trợ cấp của Nhà nước.