Mục tiêu Đề án số 11/ĐA-UB ngày 03-12-2004 của UBND T.P Thái Nguyên về việc xây dựng y tế xã đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2005-2010 là đến năm 2010, 100% các xã, phường của thành phố đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Nhưng đến nay, toàn thành phố mới có 10/28 xã, phường cập chuẩn.
Đề án số 11 được xây dựng nhằm mục đích nâng cao việc bảo vệ, chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân; tuyên truyền, vệ sinh phòng bệnh; giảm tải cho các bệnh viện số ca nhiễm các bệnh thông thường... Kế hoạch đề ra trong Đề án là từ năm 2004, mỗi năm T. P Thái Nguyên sẽ có từ 4-5 xã, phường cập chuẩn, và đến năm 2010, 100% các xã, phường đều đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Thực hiện Đề án này, với chính sách hỗ trợ 50/50, mỗi năm UBND T.P Thái Nguyên dành trên 1 tỷ đồng để tu sửa, nâng cấp, xây dựng nhà trạm, đồng thời tích cực tuyên truyền về công tác xã hội hóa y tế.
Về phía ngành Y tế cũng đã quan tâm tới việc đầu tư trang thiết bị, bổ sung biên chế có trình độ nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ở các địa phương trong thành phố. Đến nay, toàn thành phố có 28 trạm y tế thì có 103 cán bộ y, bác sĩ, trong đó có 27 bác sĩ, còn lại là y sĩ và điều dưỡng viên. Hằng năm, 95% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, 100% phụ nữ mang thai được tư vấn sức khỏe sinh sản, không để xảy ra dịch bệnh và các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể… Với kết quả này, năm 2004, thành phố có 3 xã, phường cập chuẩn là: Túc Duyên, Gia Sàng, Tân Cương. Năm 2005, có 4 xã là: Tân Long, Phú Xá, Tích Lương và Phúc Xuân. Năm 2006, có 3 xã là: Quang Vinh, Phúc Trìu và Đồng Bẩm.
Nhưng từ năm 2007 đến nay, thành phố chưa có thêm xã nào được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Tìm hiểu nguyên nhân và những khó khăn trong việc xây dựng xã chuẩn Quốc gia về y tế, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc TT Y tế T.P Thái Nguyên cho biết: Một xã được công nhận chuẩn Quốc gia về y tế cần đạt được 10 chuẩn Quốc gia theo quy định, trong đó có 7 chuẩn thuộc chuyên môn của ngành Y tế là: Xã hội hóa chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh, khám chữa bệnh và phục hồi chức năng, y học cổ truyền, chăm sóc sức khỏe trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản; 1 chuẩn về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, 1 chuẩn về nhân lực và chế độ chính sách; 1 về kế hoạch và tài chính cho trạm y tế. Tính đến thời điểm này, 7 chuẩn thuộc chuyên môn của ngành cùng với chuẩn về nhân lực và chế độ chính sách và về kế hoạch, tài chính cho trạm y tế đều đã đạt và cận chuẩn. Chỉ riêng chuẩn về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị là còn nhiều nan giải, trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng là bước khó khăn nhất.
Để xây dựng một nhà trạm đủ tiêu chuẩn cần có hàng tỷ đồng. T.P Thái Nguyên đã có chính sách hỗ trợ 50/50, nhưng với điều kiện tài chính của các xã, phường như hiện nay, việc bỏ ra trên 500 triệu cho y tế là điều không dễ dàng. Nhìn lại những địa phương đã được công nhận chuẩn Quốc gia cho thấy, hầu hết các xã, phường này đều có nhà trạm cơ bản đủ tiêu chuẩn, chỉ cần nâng cấp, sửa chữa một vài hạng mục là đạt. Số còn lại chưa thể đạt chuẩn cũng chỉ vì nguyên nhân nhà trạm quá xuống cấp, hoặc chưa có nhà trạm nên phải đầu tư toàn bộ.
Chị Dương Thị Bích Hồng, Trưởng Trạm y tế xã Quyết Thắng cho biết: Trạm hiện có 1 bác sĩ, 1 y sĩ sản, 1 y tá điều dưỡng. Hằng năm, Trạm khám, chữa bệnh cho trên 7.000 lượt người, thực hiện tiêm chủng mở rộng phòng 6 bệnh truyền nhiễm cho trẻ dưới 6 tuổi đạt tỷ lệ 100%, quản lý, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em đạt tỷ lệ 100%; trên 10 năm chưa có dịch bệnh xảy ra… Thế nhưng, đến nay, xã vẫn chưa được công nhận chuẩn vì chưa có nhà trạm đủ tiêu chuẩn. Cuối năm 2008, Trạm được Dự án Atlantic Philanthropies (gọi tắt là Dự án A.P) của Mỹ tài trợ 1,8 tỷ đồng xây dựng nhà trạm 2 tầng, gồm 15 phòng, còn lại các công trình phụ trợ như: Cổng, hàng rào, sân… địa phương phải huy động vốn đối ứng, dự tính trên 100 triệu đồng. Tháng 6-2009, nhà trạm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng hiện địa phương vẫn chưa huy động đủ số tiền trên. Hơn 1 năm nay, xã mới chỉ vận động được trên 20 triệu đồng từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, một số người dân địa phương, số còn lại chưa biết huy động bằng cách nào…
Cùng được Dự án tài trợ đợt này, còn có 2 xã: Tân Thịnh và Phúc Hà, thì đến nay cả 2 xã này cũng vẫn còn nợ lại các công trình phụ trợ. Để giải quyết khó khăn, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, cho biết thêm: Trước mắt, các xã, phường có Dự án A.P tài trợ cần khẩn trương xây dựng phương án huy động mọi nguồn lực để thực hiện phần đối ứng của địa phương, tổ chức thi công các hạng mục còn lại ngoài Dự án theo cam kết với nhà tài trợ, tạo uy tín để những đợt tài trợ tiếp theo của Dự án được diễn ra suôn sẻ.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin đơn cử một đơn vị đã làm tốt việc huy động vốn đối ứng để xây dựng trạm y tế. Đó là: Phường Quan Triều. Phường có trên 2.000 hộ với trên 7.000 nhân khẩu, bằng cách vận động mỗi nhân khẩu đóng góp 40 nghìn đồng đối với hộ phi nông nghiệp, 30 nghìn đồng đối với hộ nông nghiệp và 20 nghìn đồng đối với hộ khó khăn. Từ năm 2007, UBND phường đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, xã hội hóa công tác y tế đến từng bộ phận dân cư; giải thích rõ mục đích, ý nghĩa của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Qua đó, phường đã nhận được sự ủng hộ của 100% hộ dân. Tính đến thời điểm này, phường đã huy động được khoảng 200 triệu đồng từ nhân dân đóng góp, trên 20 triệu từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, cùng với 50% vốn đối ứng của T.P Thái Nguyên. Với tổng số tiền trên 1,4 tỷ đồng, phường Quan Triều đã xây dựng được 1 nhà trạm đủ tiêu chuẩn, nhà trạm được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2009. Hiện, phường vẫn tiếp tục huy động nhân dân đóng góp thêm để xây dựng một số công trình phụ trợ, phấn đấu trong năm 2009, phường Quan Triều sẽ được công nhận chuẩn Quốc gia về y tế. Đây có thể coi là một địa chỉ để các địa phương học tập kinh nghiệm trong việc tuyên truyền xã hội hóa công tác y tế.