Khởi tâm làm việc thiện

08:15, 16/09/2009

Ở tuổi “Thất thập cổ lai hy”, ông Chu Thanh An, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) vẫn thường xuyên đến "gõ cửa" các nhà hảo tâm trên địa bàn để vận động giúp đỡ người nghèo.

 

Ông tâm sự: Làm công tác nhân đạo, từ thiện, tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”... Ông An đã thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hành động rất cụ thể. Ít năm trước, ông An đã đến gia đình chị Phạm Thị Thanh, tổ 4, phường Đồng Quang xin lại chiếc xe lăn cũ, ngày còn sống mẹ chị Thanh vẫn dùng, để mang cho 1 cụ già ở phường Túc Duyên. Nhiều lần khác, ông đến gặp các nhà hảo tâm để xin xe lăn, hoặc vận động người có điều kiện kinh tế tặng xe lăn cho người tàn tật, hỗ trợ tiền nuôi dưỡng cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 

Như rất nhiều những tấm lòng bao dung trong cuộc đời, ông An đã làm công việc đó bằng cả sự rung cảm trái tim - Những trái tim biết chia sẻ nhịp đập yêu thương với đồng loại… Trò chuyện với chúng tôi về công tác từ thiện nhân đạo, ông Đặng Minh Tiến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ cho biết: Có rất nhiều người khi mang tiền đến Tỉnh hội ủng hộ Quỹ nhân đạo, đều với tâm nguyện số tiền đó đến được địa chỉ cần được giúp đỡ. Có nhiều người ủng hộ tiền cho Quỹ nhưng đặt điều kiện... không ghi danh tính.

 

Tôi biết, ông Tiến là người có duyên với công tác dân vận, nhiệt huyết và linh hoạt trong công tác vận động mọi người trong xã hội tham gia làm việc thiện. Năm 2007, trong một lần đến Bệnh viện C Thái Nguyên thăm người bạn bị ốm, ông thấy một bệnh nhân nghèo đi qua-lại nhiều quầy quán mà chưa mua nổi 1 suất ăn. Chứng kiến cảnh đó, ông Tiến thấy lồng ngực mình nghẹn lại, thầm nghĩ: Người bệnh nghèo có thể chết không vì thiếu thuốc, mà do thiếu ăn. Ngay sau đó, ông Tiến đã trao đổi cùng Ban Giám đốc Bệnh viện C xây dựng bếp ăn tình thương, đồng thời vận động các nhà hảo tâm trong tỉnh hỗ trợ tiền, gạo cho người nghèo đến viện chữa bệnh có thêm lưng cơm để uống thuốc. Ngoài Bệnh viện C Thái Nguyên, Bệnh viện Tâm thần tỉnh còn có “bữa ăn vì bệnh nhân nghèo”. Sau hơn 2 năm, 2 bệnh viện này đã có hơn 120 nghìn xuất ăn miễn phí, tương đương với số tiền khoảng 600 triệu đồng.

 

Bên bếp nấu ăn của Bệnh viện Tâm thần, chúng tôi thấy bà Nguyễn Thị Lương, cấp dưỡng của Bệnh viện lúi húi chia cơm. Bà Lương bảo: Xuất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo lúc 10 nghìn đồng, khi 5 nghìn đồng, còn bây giờ (tháng 9/2009), 1 suất ăn miễn phí chỉ có 3.000 đồng, nhưng phải đảm bảo được khẩu phần có đầy cơm, chút rau, ít thịt... Tôi hiểu, bữa ăn miễn phí dành cho bệnh nhân nghèo phụ thuộc vào số tiền do Hội Chữ thập đỏ tỉnh quyên góp ủng hộ. Nhưng điều trân trọng là từ nhiều năm nay, bếp ăn tình thương dành cho bệnh nhân nghèo đã duy trì được ngọn lửa, sưởi ấm bao trái tim bần hàn. Trong đó, phải kể tới Công ty Cổ phần Vận tải thương mại Sơn Luyến (Đồng Hỷ); Công ty Xây dựng Thương mại Hiếu Ngân và Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh cùng những người trong Hội Quy Phật từ hiếu phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên)...

 

Người có tiền, giúp tiền; có gạo, giúp gạo, hoặc mỗi cán bộ viên chức, người lao động... ủng hộ một ngày thu nhập cho các quỹ giúp đỡ người nghèo. Trong hơn 20 năm đã qua, cộng sổ toàn tỉnh đã đóng góp được 21 tỉ đồng cho Quỹ Nhân đạo và Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam. Qua đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã thực hiện cứu trợ, hỗ trợ cho hàng nghìn lượt người nghèo, trong đó có hơn 400 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà mới; 154 hộ được hỗ trợ tiền sửa nhà và đã có hàng trăm nghìn bộ quần áo; hàng nghìn bộ chăn, màn; đồ dùng gia đình đến với người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 

Không chỉ khơi dậy những tấm lòng nhân ái, biết sẻ chia, mà phong trào làm việc thiện còn có ý nghĩa giáo dục lớn đối với mọi người, mọi giới và ở mọi độ tuổi khác nhau trong xã hội. Đó là phong trào nuôi lợn nhựa ở các trường học, công sở Nhà nước; hũ gạo tiết kiệm, đặc biệt là phong trào hiến máu cứu người. Thế mới hay, trong chiến tranh mọi người dân sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, khi hòa bình thì mọi người sẵn lòng sẻ chia tình cảm yêu thương của mình với người gặp hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là chia sẻ cả máu của mình cho người gặp hoạn nạn... Khi cầm bút viết bài này, tôi nhớ tới lời của Đại Đức Thích Thanh Thắng, vị sư trụ trì Chùa Phố Hương (T.P Thái Nguyên): Tâm khởi thì Phật khởi, làm việc thiện cốt ở cái tâm mỗi người. Vì thế, người năng làm việc thiện thì thấy tâm mình thanh tịnh, thỏa mãn...