Làm gì để không còn những cái chết oan uổng trong mùa mưa lũ

07:58, 08/09/2009

Đành rằng là thiên tai. Nhưng vì sao những cái chết oan uổng vẫn cứ xảy ra, trong khi cứ đầu mùa mưa, địa phương nào cũng triển khai kế hoạch phòng chống lụt bão với những phương án chi tiết…?

 

Mấy ngày nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng, cả nước biết đến một trận lụt, mà đúng hơn là một trận mưa lớn đã gây thiệt hại cho các tỉnh miền Trung từ tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Trên 8.700 ha lúa, trên 2360 ha hoa màu bị ngập, ngã đổ, nặng nhất là tỉnh Quảng Trị với trên 4.300 hecta lúa sắp thu hoạch ở các xã vùng thấp huyện Hải Lăng bị ngập sâu trong nước, nhiều đoạn đường, đê kè bị nước gây xói lở, cuốn trôi, thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Đau đớn nhất là đã có 6 người chết, trong đó có 3 trẻ em và 1 cụ già, trong khi đây chưa phải là một trận lụt lớn hay lũ quét ghê gớm gây ra.

 

Đó là: em Trần Hoàng 9 tuổi, ở khu phố 9, phường Đông Lễ, thành phố Đông  Hà, tỉnh Quảng Trị. Thấy nước lụt, em cùng bạn bè ra mương nước gần nhà để bắt cá và trượt chân rơi xuống nước dẫn đến thiệt mạng; Em Cao Văn Vinh, 15 tuổi, trú phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ đi đặt lờ bắt cá bị sẩy chân bị nước cuốn trôi; Cháu Nguyễn Văn Rin, 18 tháng tuổi ở xã Hương Vinh, huyện Hương Trà bị trượt chân rơi xuống nước; Cụ ông Phan Cảnh Sửu, 76 tuổi ở xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế đi đánh lưới bị lật ghe mà thiệt mạng….

 

Nếu tính cả số người chết trong trận mưa và lở núi ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu… trong tháng 7 và tháng 8, ở nước ta số người chết vì lũ lụt đã xấp xỉ 40 người. 

 

Đành rằng là thiên tai. Nhưng vì sao những cái chết oan uổng vẫn cứ xảy ra, trong khi cứ đầu mùa mưa, địa phương nào cũng triển khai kế hoạch phòng chống lụt bão với những phương án chi tiết về việc thông tin tuyên truyền, chuẩn bị phương tiện, con người, hậu cần tại chỗ, di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở núi, sạt lở ven sông suối, rồi cảnh báo khu vực nguy hiểm để mọi người phòng tránh…

 

Nếu chính quyền các địa phương kiên quyết hơn trong việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm thì chắc sẽ không có 24 mạng người bị chôn vùi dưới đất đá của vụ lở núi ở thôn Khên Lền, xã Công Bằng, huyện Pắc Nậm, tỉnh Bắc Cạn. Nếu ngành chức năng quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn mọi người đi lại trong mưa lũ, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền xuất bến trong những ngày có áp thấp nhiệt đới thì chắc sẽ không còn những cai chết oan uổng của trẻ em trong mưa lũ, không còn những tàu cá với bao phận người bị tai nạn giữa biển khơi.

 

“Xanh nhà hơn già đồng”, kinh nghiệm từ ngàn đời nay của ông cha ta, đâu phải chính quyền và ngành nông nghiệp không biết. Vậy mà, mới một trận mưa đầu mùa, một vạn hec ta lúa và hoa màu đã bị ngập chìm trong nước. Một nắng hai sương nông dân chắt chiu trồng tỉa, trong phút chốc đã trôi theo dòng nước bạc. Đó là mồ hôi, là nước mắt, là miếng cơm manh áo của bà con.

 

Với một nước mà năm nào cũng hứng chịu nhiều thiên tai bão lũ  như nước ta thì công tác dự báo và phòng chống lụt bão phải luôn được chú trọng, phải trở thành ý thức thường trực không chỉ với chính quyền địa phương, của ngành chức năng mà phải là của mỗi người, mỗi gia đình. Công việc ấy không thể dừng lại ở việc triển khai chung chung theo kiểu phong trào, năm ngoái làm sao năm nay làm vậy, mà phải thể hiện bằng những việc làm cụ thể từ dự báo, cảnh báo nguy cơ đến phương án cứu hộ cứu nạn, các biện pháp bảo vệ người dân, cưỡng chế di dời…

 

Đồng bào ta nên trước hết tự bảo vệ mình trước các ẩn hoạ thiên tai rình rập. Đừng vì cái lợi nhỏ trước mắt mà ra sông kiếm củi, đánh cá. Đừng vì chủ quan mà lội suối, qua sông khi nước về. Hãy bảo vệ con trẻ của mình. Vì đó là tương lai của chúng ta.