Một số kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở 01/4/2009 tỉnh Thái Nguyên

15:42, 27/09/2009

  1. Quy mô dân số và tốc độ tăng dân số:   Tổng số dân của tỉnh Thái Nguyên tại thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2009 là 1.124.786. Trong đó, dân số nam là 559.153 người, chiếm 49,71%; dân số nữ là 565.633 người, chiếm 50,29%. So với cả nước, dân số của tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 33 và đứng thứ 3 các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc (sau Bắc Giang và Phú Thọ).  

 

Kết quả Tổng điều tra cho thấy, sau 10 năm dân số của tỉnh tăng thêm 78,9 nghìn người, bình quân mỗi năm tăng 7,9 nghìn người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm trong thời kỳ giữa hai cuộc Tổng điều tra năm 1999 và năm 2009 là 0,73%/năm, thấp hơn mức tăng bình quân giai đoạn 1989-1999 (giai đoạn 1989-1999 tăng bình quân 1,7%/năm) và thấp hơn mức tăng bình quân chung của cả nước (cả nước tăng 1,2%/năm).

 

Sở dĩ có mức tăng dân số thấp như vậy một mặt do kết quả của nhiều năm kiên trì triển khai Chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình (Thái Nguyên đã đạt mức sinh thay thế). Mặt khác do nhu cầu học tập và việc làm nên một bộ phận dân số đã di chuyển ra khỏi địa phương.

 

Trong số các đơn vị hành chính cấp huyện, T.P Thái Nguyên và thị xã Sông Công do tác động của quá trình đô thị hóa nên có tốt độ tăng dân số nhanh. Sau 10 năm dân số của thành phố Thái Nguyên tăng thêm 55 nghìn người, bình quân mỗi năm tăng 2,23% (tương ứng 5,5 nghìn người/năm); thị xã Sông Công có tốc độ tăng bình quân mỗi năm là 1,4% (tương ứng 0,6 nghìn người/năm). Ngược lại, do nhu cầu học tập và việc làm nên một số địa phương có tỷ lệ xuất cư cao hơn mức tăng dân số tự nhiên do vậy các huyện này có dân số giảm hơn so với cách đây 10 năm. Huyện Đại Từ, sau 10 năm có khoảng 21 nghìn người xuất cư ra khỏi địa bàn, do vậy dân số tại thời điểm điều tra thấp hơn so với cách đây 10 năm là 2,9 nghìn người; huyện Phú Bình, sau 10 năm có khoảng 18 nghìn người xuất cư ra khỏi địa bàn, do vậy dân số tại thời điểm điều tra thấp hơn so với cách đây 10 năm là 2,1 nghìn người; huyện Định Hóa, sau 10 năm có khoảng 13,5 nghìn người xuất cư ra khỏi địa bàn, do vậy dân số tại thời điểm điều tra thấp hơn so với cách đây 10 năm là 3,2 nghìn người.

 

Mặc dù tốc độ tăng dân số trên địa bàn tỉnh trong 10 năm đã thấp hơn so với giai đoạn 1989-1999 và thấp hơn so với mức bình quân của cả nước nhưng sức ép tăng dân số vẫn là nguy cơ cao. Trong những năm qua, công tác dân số trên địa bàn tỉnh đã thu được kết quả nhất định. Tỷ lệ sinh năm sau giảm hơn năm trước, số cặp vợ chồng sinh con thứ 3 chỉ chiếm tỷ lệ thấp, tổng tỷ suất sinh trên địa bàn tỉnh đã đạt mức sinh thay thế (bình quân 2 con/phụ nữ). Tuy nhiên, do quy mô dân số lớn nên với tỷ lệ sinh ở mức khoảng 14-15‰, bình quân mỗi năm có khoảng 17 nghìn trẻ em sinh ra. Như vậy, sau 10 năm dân số của tỉnh sẽ tăng thêm tương đương dân số 1 huyện.

 

2. Dân số thành thị và nông thôn:

Quá trình đô thị hóa trên địa bàn diễn ra khá nhanh. Nếu như năm 1999, dân số khu vực thành thị có 228 nghìn người, chiếm 21,81%, thì sau 10 năm dân số khu vực thành thị đã là 288 nghìn người, chiếm 25,62% dân số của tỉnh. Như vậy, cơ cấu dân số thành thị của tỉnh đứng thứ 22 so với cả nước và đứng đầu trong số các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

 

Theo kết quả điều tra, sau 10 năm dân số khu vực thành thị tăng 60 nghìn người, bình quân mỗi năm tăng 6 nghìn người. Dân số khu vực thành thị tăng cao ngoài yếu tốt tăng tự nhiên, có sự đóng góp rất lớn của yếu tố tăng cơ học. Trong 10 năm qua, dân số tăng cơ học khu vực thành thị khoảng 36 nghìn người, bình quân mỗi năm 3,6 nghìn người nhập cư vào khu vực thành thị.

 

Mặc dù dân số khu vực thành thị tăng nhanh nhưng không phải tăng đều ở tất cả các địa phương mà chủ yếu tập trung ở một số phường trung tâm, nơi có các trường chuyên nghiệp hoặc khu công nghiệp, đô thị mới.

 

Ngược lại với khu vực thành thị, do nhu cầu về học tập, việc làm nên xu hướng dân cư khu vực nông thôn chuyển dịch ra khu vực thành thị và ngoài tỉnh ngày càng lớn. Theo kết quả điều tra, dân số khu vực nông thôn năm 2009 chỉ tăng trên 18 nghìn người so với năm 1999. Nếu như với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên khu vực nông thôn trong 10 năm qua thì số người chuyển từ khu vực nông thôn ra thành thị hoặc ngoài tỉnh khoảng gần 90 nghìn người. Như vậy, bình quân mỗi năm có khoảng gần 9 nghìn người di chuyển ra khỏi khu vực nông thôn. Những người này chủ yếu đi làm việc ở khu vực thành thị và các tỉnh khu vực phía Nam. Trong đó, các huyện Đại Từ, Phú Bình, Định Hóa là có số di chuyển ra khỏi khu vực nhiều nhất.

 

Như vậy, dưới tác động của kinh tế thị trường, dân số đang có sự chuyển dịch và phân bố lại. Cơ cấu dân số khu vực thành thị ngày càng tăng nhanh, cơ cấu dân số khu vực nông thôn ngày càng thu hẹp. Quá trình này nếu như không có sự điều tiết và định hướng của Nhà nước sẽ dẫn tới sự mất cân đối dân cư và phá vỡ các quy hoạch. Để khắc phục vấn đề này, yêu cầu phải tạo ra nhiều việc làm trong khu vực nông thôn với phương châm "ly thôn nhưng không ly hương".

 

3. Tỷ số giới tính

Tỷ số giới tính của dân số được định nghĩa là số nam trên 100 nữ. Theo kết quả điều tra, tại thời điểm điều tra, tỷ số giới tính của dân số tỉnh Thái Nguyên là 98,9% nam trên 100 nữ. Nói cách khác, nữ chiếm 50,29% và nam chiếm 49,71% so với tổng dân số. Tỷ số giới tính năm 2009 thấp hơn so với năm 1999 (năm 1999 tỷ số là 99,4) nhưng cao hơn so với năm 1989 (năm 1989 tỷ số là 96,4%) và cao hơn so với mức bình quân của cả nước (cả nước tỷ số là 98,1%)

 

Mặc dù tỷ số giới tính bình quân toàn tỉnh là 98,9 là tương đối tích cực nhưng xét từng địa phương có sự chênh lệch khác nhau. Trong tổng số các huyện, thành, thị, huyện Đồng Hỷ có tỷ số nam cao nhất (108,1 nam/100 nữ), tiếp đến là thị xã Sông Công (106,6 nam/100 nữ). Ngược lại, thành phố Thái Nguyên có tỷ số giới tính thấp nhất với chỉ 95,4 nam/100 nữ, tiếp đến là huyện Định Hóa có tỷ số là 96,8nam/100 nữ.

 

Tỷ số giới tính ở trên là tỷ số giới tính chung, tỷ số giới tính từ o đến 5 tuổi sẽ phản ánh sự bất cập về tỷ lệ nam - nữ trong những năm gần đây sẽ có kết quả cụ thể khi có số liệu tổng hợp chính thức.

 

4. Quy mô dân số bình quân một hộ:

Quy mô dân số trong một hộ có xu thế giảm dần. Nếu như trước đây trong một hộ thường có nhiều thế hệ cùng sinh sống thì xu thế hiện nay những hộ có nhiều thế hệ không nhiều. Năm 1989 bình quân một hộ có 4,9 người, năm 1999 bình quân một hộ có 4,4 người thì hiện nay chỉ còn 3,5 người/hộ. Xu thế này diễn ra ở tất cả các khu vực, cả thành thị và nông thôn và tất cả các huyện, thành, thị.