Mũ bảo hiểm không gây tổn thương cho trẻ

10:37, 27/09/2009

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam vừa đưa ra hàng loạt nghiên cứu, minh chứng cho việc đội mũ bảo hiểm hoàn toàn không gây chấn thương đốt sống cổ của trẻ mà còn giúp bảo vệ sự an toàn và tính mạng trên đường.

 

Theo nghiên cứu mới đây của tổ chức này về thực trạng đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy, chấn thương giao thông đường bộ là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu ở Việt Nam. Năm 2007, có 12.800 trường hợp tử vong, với tỷ lệ là 15/100.000 dân hay 35 trường hợp tử vong trong một ngày.

 

Tỷ lệ tàn tật do các chấn thương giao thông đường bộ ước tính ở mức hơn 900/100.000 dân. Số liệu từ bệnh viện Việt Đức năm 2008 cũng cho thấy, 7,4% trong tổng số các trường hợp cấp cứu do chấn thương giao thông đường bộ xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi.

 

 Theo các chuyên gia của WHO, mũ bảo hiểm được sử dụng để phòng tránh các chấn thương đầu trong rất nhiều trường hợp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, một số người lo lắng, mũ bảo hiểm có thể tăng lực tác động lên cổ trong trường hợp xảy ra tai nạn vì vậy tăng nguy cơ xảy ra các chấn thương đốt sống cổ, nhất là ở trẻ nhỏ.

 

Tuy nhiên, theo bản đánh giá tóm tắt các kết quả của 5 nghiên cứu ở trẻ em thuộc mọi nhóm tuổi, mũ bảo hiểm góp phần giảm tới 85% nguy cơ chấn thương ở vùng đầu, giúp phòng tránh chấn thương trong các vụ va chạm.

 

Một nghiên cứu khác cho thấy, lực tác động cực đại của cơ cổ để giữ đầu thẳng nhỏ hơn 3% khả năng đỡ của cơ cổ. Theo tính toán, lực tác động của cơ cổ chỉ tăng một mức rất nhỏ khi đội mũ bảo hiểm... Do đó, WHO kết luận mũ bảo hiểm không gây nguy cơ nào đối với cơ cổ và cột sống của trẻ em trong điều kiện tĩnh.

 

Theo WHO, trong khi chưa có những đề xuất có thể xác minh rõ ràng, cách tốt nhất là dựa trên yêu cầu giảm thiểu tác hại, các bậc phụ huynh không nên chở trẻ em trên xe máy, môtô. Trong trường hợp cần thiết, nên sử dụng mũ bảo hiểm theo đúng tiêu chuẩn cho tất cả trẻ em để bảo vệ trẻ.