Thịt bẩn vẫn ồ ạt vào Việt Nam

11:06, 16/09/2009

Việt Nam đang trở thành nơi xả hàng thịt đông lạnh kém chất lượng, tồn kho của nhiều nước. Đây là một điều rất đáng quan ngại với người tiêu dùng.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Cục phó Cục Chăn nuôi, đã có những thông tin cho thấy do khủng hoảng kinh tế dẫn đến ứ đọng hàng hóa, nhiều nước trên thế giới xả hàng tồn kho với giá rất rẻ, trong đó có thịt và phụ phẩm đông lạnh.

 

Từ phủ tạng đến pín

 

Tại Việt Nam, sự dễ dãi trong quản lý nhập khẩu thời gian qua đã góp phần gia tăng đột biến thịt đông lạnh nhập khẩu. Theo Cục Thú y, nếu như năm 2007, cả nước chỉ nhập khẩu 44.178 tấn thịt đông lạnh các loại thì đến năm 2008 đã tăng vọt lên 119.130 tấn. Riêng sáu tháng đầu năm nay, lượng thịt đông lạnh nhập về là 57.206 tấn.

 

Thịt đông lạnh nhập khẩu về Việt Nam khá đa dạng về chủng loại, từ thịt trâu, bò, heo, gà, dê, cừu... đến phủ tạng, pín dê, chân gà... Đặc biệt qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện nhiều lô hàng không rõ nguồn gốc, nhãn hàng hóa không đúng quy định, hết hạn sử dụng vẫn tiêu thụ trên thị trường. Nhiều sản phẩm được kiểm tra cho kết quả nhiễm vi sinh vật vượt quá giới hạn cho phép và có nhiều tạp chất.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, nếu vừa rồi các cơ quan thú y không làm mạnh tay thì còn hàng trăm ngàn tấn thực phẩm đông lạnh kém chất lượng tràn vào trong nước. “Lâu nay chúng ta cứ tưởng thịt nhập từ nước ngoài là tốt hơn trong nước, nhưng bây giờ mới tá hỏa là còn kém hơn nhiều. Thị trường Việt Nam đang trở thành thị trường xả hàng tồn kho của nhiều nước” - ông Sơn nói.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cũng thừa nhận: “Mình dễ dãi trong nhập khẩu nên Việt Nam trở thành một thị trường tự do cho thịt đông lạnh và phụ phẩm vào. Sản phẩm của mình xuất đi thì đòi hỏi đủ thứ, nhưng họ xuất sang mình không cần giấy tờ nào cả”.

 

Lỗ hổng trong quản lý

 

Theo Cục Thú y, để xảy ra tình trạng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh kém chất lượng tràn lan như thời gian qua là do hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về vệ sinh thực phẩm chưa đầy đủ, đặc biệt đối với hàng phủ tạng, phụ phẩm gia súc, gia cầm. Nhiều quy định của cơ quan chức năng bị các doanh nghiệp kinh doanh “lợi dụng và qua mặt”.

 

Ông Mai Văn Hiệp, Cục phó Cục Thú y, cho rằng theo quy định thịt nhập khẩu về sẽ cho phép thông quan trước, kiểm dịch sau. Vì vậy, một số doanh nghiệp lợi dụng đưa hàng về kho nội địa gây khó khăn cho việc kiểm tra, thậm chí có doanh nghiệp bán hàng ra thị trường trước khi được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.

 

Còn theo ông Phan Xuân Thảo - Chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM, hiện các cơ quan chức năng trong nước chỉ đang kiểm soát thịt nhập khẩu ở phần ngọn. Thậm chí khi phát hiện sản phẩm kém chất lượng, các cơ quan chức năng cũng có những hướng giải quyết không thống nhất.

 

Phải kiểm soát từ gốc

 

Ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng đã đến lúc Việt Nam đưa ra những quy định chặt chẽ để hạn chế nhập khẩu sản phẩm đông lạnh kém chất lượng nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước và bảo vệ sức khỏe người dân.

 

Theo ông Sơn, cần thiết lập những quy định để kiểm soát trước khi nhập khẩu theo các chỉ tiêu vi sinh, chất lượng. “Không thể chấp nhận tình trạng sản phẩm nhập khẩu từ những nước phát triển nhưng lại không ghi rõ nguồn gốc và thời hạn sử dụng. Các doanh nghiệp ở nước ngoài, kể cả những nước phát triển, sẵn sàng thông đồng với các doanh nghiệp trong nước để lách luật” - ông Sơn cho hay.

 

Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, hiện Bộ NN&PTNT đang trao đổi với Bộ Y tế trước khi báo cáo lên Thủ tướng về việc siết lại quy định trong nhập khẩu đông lạnh. “Chắc chắn không thể để tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong thịt đông lạnh nhập khẩu tiếp diễn. Sẽ có những quy định thịt nhập khẩu phải đảm bảo các tiêu chuẩn như phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu. Thậm chí cơ quan chức năng trong nước có thể kiểm tra các cơ sở giết mổ tại nước xuất khẩu” - ông Tần cho hay.

 

Còn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước, theo ông Nguyễn Xuân Bình - phó giám đốc Cơ quan thú y vùng 6, sắp tới cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ tại các kho hàng 2-3 tháng/lần. Ngoài ra, những quy định nhập khẩu mới sẽ hạn chế bớt những doanh nghiệp không đủ điều kiện tham gia.