Từng bước giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh trên địa bàn

08:58, 25/09/2009

Theo số liệu thống kê của tổ chức Y tế thế giới, hiện nay mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng trên 550.000 phụ nữ bị tử vong do hậu quả của những biến chứng thai nghén hoặc sinh đẻ, trong số đó phần lớn là những người còn trẻ hoặc mới bắt đầu làm mẹ.

 

Tử vong mẹ phần lớn xảy ra ở tuần đầu sau khi sinh (chiếm 60%), đặc biệt là 24 giờ đầu sau khi sinh, trong đó nguyên nhân chảy máu chiếm hàng đầu. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong bà mẹ vẫn đang ở mức cao, vùng miền núi cao gấp gần 10 lần ở đồng bằng, trong đó vùng núi Tây Nguyên tỷ lệ là tử vong 916 mẹ/100.000 trẻ đẻ sống, vùng đồng bằng trung du là 168/100.000; tỷ lệ chết sơ sinh chung trong toàn quốc là 17,5 phần nghìn, ở các tỉnh miền núi phía Bắc là 31,6 phần nghìn.

 

Tại Thái Nguyên, thời điểm trước năm 2000, tỷ lệ tử vong mẹ ở mức 99/100.000 trẻ đẻ sống, trong đó nguyên nhân gây tử vong mẹ cao nhất là do chảy máu nhiều (chiếm 54,17%), ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như: nhiễm độc thai nghén (sản giật) chiếm 12,57%; đẻ khó, vỡ dạ con 16,67%; nhiễm khuẩn 8,33%; nạo phá thai 8,33%...

 

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Trí Long, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Sinh sản cho biết: Khi một bà mẹ mất đi sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sức khoẻ, đời sống của đứa con do họ sinh ra, nguy cơ tử vong của những trẻ này trong năm đầu cao hơn từ 3 đến 10 lần so với những trẻ khác. Mặt khác, những trẻ sơ sinh này thường không được chăm sóc, nuôi dưỡng thích hợp cho đến khi khôn lớn.

 

Được sự giúp đỡ của Chương trình giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh Trung ương, từ cuối năm 2007 đến nay, Trung tâm chăm sóc Sức khỏe Sinh sản Thái Nguyên đã triển khai Chương trình giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh trên địa bàn, hiện tại tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm xuống còn 80/100.000 trẻ đẻ sống. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã được triển khai tại cơ sở y tế của các xã, phường, qua đó đã giảm đáng kể tai biến sản khoa gây tử vong bà mẹ.

 

Trong kế hoạch hành động từ nay cho đến năm 2010, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ tử vong mẹ còn 70/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi còn 25 phần nghìn; tỷ lệ chết chu sinh (tử vong thai nhi từ 22 tuần tuổi đến 7 ngày sau đẻ) là 18 phần nghìn; tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2,5 kg giảm còn 6%. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, chương trình đã và đang tích cực triển khai đào tạo, phổ biến kiến thức cơ bản cho phụ nữ, gia đình và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; khuyến khích họ tham gia công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ sơ sinh; xây dựng mạng lưới y tế có khả năng cung cấp dịch vụ thiết yếu để chăm sóc sức khỏe sinh sản.  

 

Cơ cấu của chương trình đang được triển khai tại Thái Nguyên gồm 4 hợp phần đó là: Thiết lập cơ cấu chỉ đạo, điều hành; tuyên truyền giáo dục sức khoẻ; cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) thiết yếu ở các tuyến; xây dựng năng lực quản lý thực hiện chương trình làm mẹ an toàn. Các mục tiêu chính được đề ra là: Tuyên truyền để chính quyền địa phương hiểu biết về kế hoạch tổng thể làm mẹ an toàn và chương trình can thiệp nhằm giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Phấn đấu trên 80% số xã có các hoạt động truyền thông thích hợp; 70% phụ nữ mang thai hiểu được nhu cầu chăm sóc và những nguy cơ cần được xử trí; 80% phụ nữ mang thai được quản lý; có các ấn phẩm về làm mẹ an toàn, chăm sóc sinh sản;  tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về chương trình chương trình giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh; thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa y tế thôn bản với cán bộ y tế xã.

 

Trong hợp phần về cải thiện dịch vụ CSSK thiết yếu ở các tuyến, mục tiêu chủ yếu mà chương trình hướng tới là: 1/3 y tế thôn bản được đào tạo về đỡ đẻ an toàn; thời gian chuyển tuyến đến nơi cung cấp dịch vụ sản khoa thiết yếu không quá 30-60 phút, đến được nơi có dịch vụ sản khoa thiết yếu toàn diện tối đa là 120 phút. 100% cán bộ y tế xã, thôn, bản, huyện có kế hoạch cụ thể về vận chuyển cấp cứu, có thuốc và máu khi cần. 100% Đội chăm sóc Sức khỏe Sinh sản có khả năng giúp đỡ tuyến dưới cấp cứu tại chỗ; 100% BV huyện có khả năng cung cấp được dịch vụ CSSK thiết yếu toàn diện; 70% cơ sở y tế áp dụng đúng hướng dẫn dự phòng lây nhiễm; 30% thôn, bản xa cơ sở y tế có thể đỡ đẻ thường tại nhà và biết quyết định chuyển tuyến kịp thời; 50% ca đẻ tại nhà có bàn tay y tế đỡ; 50% ca đẻ tại nhà được khám ít nhất một lần sau sinh; 90% NHS, y tế thôn bản có đủ thuốc và dụng cụ thiết yếu cho chăm sóc bà mẹ trẻ em...

 

Hiện tại Trung tâm đang phối hợp với các bệnh viện tuyến tỉnh và Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên liên tục mở các lớp đào tạo về chăm sóc sức khỏe sinh sản, cấp cứu sản khoa, nhi khoa cho bác sĩ, y sỹ sản nhi, nữ hộ sinh của các cơ sở y tế trên địa bàn. Tại các huyện, ngoài việc triển khai xây dựng cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản sạch, gọn, đẹp, tăng cường khả năng cho tuyến huyện để đào tạo tại chỗ cho tuyến xã, y tế thôn bản, Trung tâm đã mở các lớp đào tạo ngắn hạn về làm mẹ an toàn cho cán bộ công đoàn huyện, hội phụ nữ của các xóm, xã, nâng cao hiểu biết của các bà mẹ về chăm sóc sức khỏe sinh sản qua đó từng bước giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong sơ sinh trên địa bàn.