Ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính

08:38, 29/09/2009

UBND tỉnh vừa Thái Nguyên công bố bộ thủ tục hành chính chung cho các sở, ban, ngành của tỉnh và Bộ thủ tục hành chính chung của cấp huyện, cấp xã, đây là cơ sở quan trọng để ứng dụng công nghệ thông tin góp phần cải cách hành chính theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn 

 

Sau hơn một năm rà soát, bộ phận giúp việc đã tham mưu để UBND tỉnh chính thức công bố thủ tục chung của 19 sở, ban, ngành trong tỉnh là 939 thủ tục, cấp huyện 179 thủ tục, cấp xã 103 thủ tục. Đây mới là kết quả rà soát thủ tục hành chính giai đoạn một và sẽ còn có các thủ tục hành chính của các đơn vị, địa phương được bổ sung và ngược lại cũng có thủ tục hành sẽ phải đưa ra khỏi Bộ do không còn phù hợp. Mặc dù vậy kết quả rà soát nêu trên mới là cơ sở ban đầu, tiêu chuẩn tối thiểu để chúng ta bắt đầu xây dựng các phần mềm công nghệ thông tin phù hợp cho ngành để phục vụ công tác điều, quản lý Nhà nước về các lĩnh vực.

 

Đồng chí Vũ Quốc Thạnh, Giám đốc Sở Thông tin  - Truyền thông cho biết: “Công nghệ thông tin không chỉ đơn thuần là việc sử dụng máy tính trong quá trình làm chuyên môn mà đòi hỏi phải có hệ thống như cơ sở hạ tầng thông tin, đường truyền, máy móc, thiết bị, hệ thống các phần mềm chuyên dụng, đội ngũ cán bộ kỹ thuật được đào tạo để xây dựng phần mềm, giảng dạy nên trong quá trình thực hiện công tác chuyên môn của tất cả các ngành, địa phương không thể thiếu được công nghệ thông tin…”. Khi đặt câu hỏi không có công nghệ thông tin việc giải quyết thủ tục hành chính của các quan, đơn vị có thực hiện được không? Đại diện một số ngành, đơn vị trả lời vẫn thực hiện được nhưng mất rất nhiều công sức, thời gian và hiệu quả không cao. Đơn cử, trung bình mỗi năm các cơ quan cấp tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết gần 17 nghìn hồ sơ vụ việc; các cơ quan cấp huyện tiếp nhận và giải quyết trên 27,7 nghìn hồ sơ vụ việc; cấp xã đã giải quyết trên 187 nghìn vụ việc. Và nếu lượng công việc nêu trên mà không có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin thì khó có thể thực hiện được. Đặc biệt là đối một số đơn vị, địa phương như: Sở Xây dựng; Sở Kế hoạch và Đầu Từ; Sở Tài Nguyên và Môi trường; T.P Thái Nguyên; huyện Phổ Yên... thì những kết quả mà công nghệ thông tin góp phần giải quyết công tác cải cách hành chính đã được khẳng định: Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, nâng cao khả năng lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị, khối lượng công việc được giải quyết của đội ngũ cán bộ chuyên môn tăng lên.

 

Theo đánh giá của Sở Thông tin - Truyền thông thì hiện Thái Nguyên là địa phương có tiềm lực công nghệ thông tin do có hạ tầng công nghệ thông tin tương đối hiện đại so với các tỉnh trong khu vực (Thái Nguyên và Đồng Nai là 2 tỉnh đầu tiên trong cả nước đã khai trương mạng số liệu chuyên dùng phục vụ cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và nối mạng thông tin tới tận cấp xã); có nhiều cán bộ có trình độ chuyên môn sâu về công nghệ thông tin đang công tác tại các sở, ban, ngành, địa phương và có khoảng trên 90% số cán bộ công chức, viên chức sử dụng được công nghệ thông tin và ứng dụng các dịch vụ công thông tin cơ bản vào giải quyết công việc chuyên môn. Song, việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh lại có sự cao, thấp khác nhau. Đặc biệt là tình trạng “cát cứ thông tin” giữa các sở, ngành còn khá phổ biến (tức là thủ tục hành chính của nhiều ngành đã được cập trên mạng Lan nội bộ của từng đơn vị nhưng không có sự liên kết, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị với nhau).

 

Vẫn theo đồng chí Thạnh để việc ứng dụng công nghệ thông tin vào vào thực hiện công tác cách hành chính nói riêng, công tác chuyên môn của các đơn vị, địa phương trong tỉnh nói chung trong năm 2009 và các năm tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn, lãnh đạo tỉnh nên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện công tác này. Trong đó, tập trung vào việc củng cố, kiện toàn bộ phận một cửa, một cửa liên thông; đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính và yêu cầu cán bộ chủ chốt các sở, ngành, địa phương bắt buộc phải truy cập trang thông tin điện tử của tỉnh hàng ngày để nhận báo cáo, các văn bản chỉ đạo của tỉnh... Đồng thời sau khi 19 sở, ngành và cấp huyện, cấp xã đã có Bộ thủ tục hành chính chung phải phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh để xây dựng đề án nhằm từng bước phần mềm hóa các bộ thủ tục này để quản lý, lưu giữ, khai thác và sẵn sàng cung cấp khi nhân dân có nhu cầu.

 

Công nghệ thông tin có sự quan hệ chặt chẽ với công tác cải cách hành chính, công tác chuyên môn của từng đơn vị, địa phương và có sự tác động trực tiếp tới từng cán bộ, công chức trong quá trình làm công tác chuyên môn nên cần có sự đầu tư tương xứng, thường xuyên.