Xây dựng thương hiệu tuyển dụng để thu hút lao động giỏi

09:48, 03/09/2009

Nền kinh tế nước ta đang phục hồi trở lại, nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động trình độ cao sẽ tăng lên trong thời gian tới, tiếp tục tạo nên sự khan hiếm lao động. Trong khi chờ đợi kết quả của những chính sách đổi mới giáo dục, đào tạo, dạy nghề thì các chủ doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải đối phó với tình trạng này.

 

Nhận định này vừa được ông Jeffrey A.Joerres, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Manpower đưa ra nhân chuyến làm việc tại nước ta. Để thu hút lao động giỏi, các doanh nghiệp cần phải xây dựng thương hiệu tuyển dụng của mình.

 

Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân, địa chỉ của nhiều bạn trẻ đến học nghề. Trong ảnh: Lớp sửa chữa điện, điện tử. Ảnh: Thái Hiền

 

Theo ông Jeffrey A. Joerres, khi nền kinh tế hồi phục, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn để thu hút và giữ nhân tài có kỹ năng then chốt tiếp tục làm việc với mình. Hiện tại, những khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng tay nghề đang dần trở lại do nền kinh tế thế giới đang hồi phục. Kết quả từ một cuộc điều tra toàn cầu của Manpower tại 33 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy, khó tuyển nhất là những nghề yêu cầu chuyên môn và có kỹ năng, sau đó đến các đại diện bán hàng, kỹ thuật viên, kỹ sư.

 

Về sự khan hiếm nhân lực chất lượng cao tại nước ta, ông Bùi Quang Huy, Giám đốc kinh doanh Công ty Manpower Việt Nam dẫn chứng chuyện tuyển lao động của Công ty Intel: "Khi Công ty Intel xây dựng nhà máy tại nước ta, đợt tuyển lao động đầu tiên, công ty này kỳ vọng sẽ tuyển được khoảng 100 người. Nhưng cuối cùng họ chỉ tuyển được 25 người". Xét về tổng thể, nhiều công ty có xu hướng giảm bớt nhu cầu tuyển dụng trong thời kỳ suy thoái nhưng chính họ cũng đang tìm cách tuyển những vị trí trọng yếu của doanh nghiệp như giám đốc điều hành, giám đốc tài chính hoặc trưởng, phó các bộ phận trọng yếu. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp trong đó có Intel vẫn chưa thỏa mãn hoặc chưa tìm được người có đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu của mình do khan hiếm lao động có trình độ.

 

Sự khan hiếm này đã làm thay đổi nhận thức của một số chủ doanh nghiệp. Thay vì để lao động tự tìm đến mình, các chủ doanh nghiệp đã tìm cách xây dựng thương hiệu tuyển dụng nhằm thu hút lao động giỏi. "Thương hiệu tuyển dụng tốt sẽ là một khối nam châm đối với nhân tài", ông Huy nhận xét. Và để tạo được khối "nam châm" này, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các chính sách hỗ trợ lao động giỏi như mức lương, môi trường làm việc, các chế độ đãi ngộ liên quan.

 

Then chốt trong việc xây dựng thương hiệu tuyển dụng là việc nhận diện những phẩm chất riêng của doanh nghiệp, làm cho mọi người yêu thích và mong muốn được làm việc tại đó. Những phẩm chất này mang tới sự hài lòng cho các nhân viên và sẽ góp phần tạo động lực giúp thúc đẩy sự phát triển của công ty. Khi tạo ra được một môi trường làm việc tốt sẽ đồng nghĩa với thương hiệu tuyển dụng tốt và cơ hội tuyển dụng lao động giỏi cũng sẽ nhiều hơn.