Xấp xỉ 7.000 nhân khẩu, với 1.910 hộ, tổng diện tích đất tự nhiên gần 1.300ha nhưng xã Điềm Thụy (Phú Bình) lâu nay chỉ có 7 xóm. Trong khi đó, với cùng điều kiện địa lý, phân bố dân cư thì các xã khác trên địa bàn đều có từ 13-17 xóm. Thực tế này đã và đang khiến việc quản lý, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền nơi đây gặp không ít khó khăn...
Trong số 7 "đơn vị hành chính" của Điềm Thuỵ, xóm Trung có số dân nhiều nhất với 1.635 người, sinh sống ở 464 hộ. Để phần nào cảm nhận được những khó khăn mà lãnh đạo xóm cũng như của mỗi người dân nơi đây gặp phải trong việc thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chúng tôi đã đề nghị anh Trung Lưu Văn Nội, Trưởng xóm Trung đưa đi một vòng quanh xóm. Điểm bắt đầu từ dốc Chướm, qua cụm mầm non, đến nhà văn hoá, rồi qua sau núi Hanh (giáp xã Hồng Tiến, Phổ Yên), xuống khu Gầm Vàng (giáp xóm Hanh của xã), cuối cùng dừng lại tại ngôi đình Hộ Lệnh. Con đường đất nhỏ hẹp, gồ ghề, lại uốn lượn qua những quả đồi càng đoạn đoạn đường 4km trở nên dài thêm. Để đi qua được những "địa điểm" kể trên, chúng tôi mất gần 25 phút đi bằng xe máy, vậy nhưng theo các đồng chí cán bộ xóm, chúng tôi mới đi được non nửa địa phận của xóm, nửa còn lại còn lồi lõm, khó khăn hơn.
Qua tìm hiểu được biết, hàng chục năm nay, xóm Trung luôn là xóm đông dân nhất của huyện Phú Bình và hiện đông dân nhất trên địa bàn tỉnh. Ở các kỳ tiếp xúc cử tri với Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND 3 cấp, người dân trong đã nhiều lần đề nghị được chia tách thành 4-5 xóm để mỗi hộ dân được quan tâm, tạo điều kiện hơn trong việc tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Thực tế cho thấy, ở nhiều thôn, xóm khác trên địa bàn tỉnh và huyện Phú Bình lâu nay gặp rất nhiều khó khăn trong việc bầu các chức danh bí thư chi bộ hay trưởng xóm thì với xóm Trung và các xóm khác của xã Điềm Thụy điều này lại càng khó khăn, vất vả. Chưa khi nào ở xóm Trung có một ai tự nguyện, xung phong đảm đương trách nhiệm này. Nguyên nhân không phải do chế độ phụ cấp không cao, hay vì nhiều đầu việc mà điều cốt yếu nhất vãn là vì số dân, số hộ quá đông khiến việc quản lý, điều hành của cán bộ xóm vô cùng vất vả, thậm chí là cả phức tạp.
Anh Nội thành thật: Là đảng viên, được người dân tín nhiệm nên tôi phải làm trưởng xóm, chứ thật lòng tôi và "bà xã" đều không muốn phải đảm đương trách nhiệm này. Số tiền hỗ trợ 325 nghìn đồng/tháng hiện nay không đủ anh trả tiền điện thoại và xăng xe để phục vụ cho công việc của trưởng xóm. Tuy xóm có nhà văn hoá rộng hơn 100m2 nhưng vào những ngày lễ, hội, xóm đều phải tổ chức tại đình Hộ Lệnh vì nhà văn hoá chỉ đủ sức chứa cho 1/10 dân số của xóm. Cũng do đông dân, địa bàn sinh sống rộng hàng chục km2 nên mặc dù đã có 2 cụm loa, nhưng mỗi khi phổ biến, tuyên truyền các văn bản, chính sách của Nhà nước, thì vẫn có đến vài chục hộ dân không nắm được các thông tin này do ở xa, lại bị ngăn cách bởi những quả đồi cao. Vì thế, kiểu thông tin người này truyền tai người kia khi đi làm ruộng, làm nương lâu nay vẫn được xem là phổ biến ở đây. Cũng chính kiểu truyền tin này nên tình trạng "tam sao thất bản" là điều thường xuyên xảy ra. Không ít lần anh Nội đã phải "khóc dở, mếu dở" vì thông báo của xóm một đằng, người dân thực hiện một nẻo. Hay như việc tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm cũng gặp phải không ít khó khăn. Tiếng là 1 xóm, nhưng bao giờ cũng phải thành lập ít nhất 4 địa điểm tiêm. Chỉ cần đi kiểm tra mỗi điểm tiêm 1 lúc thì cũng đã hết cả buổi sáng nói gì đến việc chỉ đạo trực tiếp!
Trao đổi về vấn đề này, anh Dương Đại Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy cũng bày tỏ với chúng tôi nhiều băn khoăn, vướng mắc trong việc điều hành, chỉ đạo các xóm đông dân. Việc triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hay tổ chức họp nhân dân để thực hiện một công việc nào đó ở những xóm này bao giờ cũng chậm hơn xóm khác, thậm chí chậm hơn nhiều so với kế hoạch và hiệu quả công việc thường không cao. Phải quản lý đông nhân khẩu, đông số hộ nên việc quản lý của cán bộ xóm cũng không thể sâu sát, thường xuyên được, mặc dù cán bộ các xóm đều rất trách nhiệm với công việc. Theo anh Đồng, 7 xóm của xã Điềm Thuỵ hiện nay nên chia tách thành 16 xóm, cụ thể: xóm Ngọc Sơn 268 hộ, 986 nhân khẩu, với diện tích tự nhiên 252ha nên tách thành 2 xóm; xóm Thuần Pháp, 291 hộ, 1.056 nhân khẩu, với 123 đất tự nhiên nên tách thành 2 xóm; xóm Điềm Thuỵ 262 hộ, 991 nhân khẩu, với 145ha đất tự nhiên nên tách thành 2 xóm; xóm Bình 295 hộ, 1.057 khẩu, với 225ha đất tự nhiên nên tách thành 3 xóm; sóm Trạng với 199 hộ, 757 nhân khẩu, với 112ha đất tự nhiên nên tách thành 2 xóm. Đông nhất là xóm Trung 464 hộ, 1.635 nhân khẩu, với 290ha đất tự nhiên nên tách thành 4 xóm. Anh Đồng cũng cho biết thêm: Tương tự về vị trí địa lý, phân bố dân cư, xã Nga My với gần 10.000 dân thì hiện có 26 xóm; xã Thượng Đình có trên 8.000 người hiện có 16 xóm… Mỗi xóm chỉ nên có trên dưới 100 hộ dân thì việc quản lý của cấp uỷ, chính quyền các cấp mới sâu sát, kịp thời và mỗi người dân, hộ dân mới cảm nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua sự điều hành, chỉ đạo của cán bộ cấp xóm.
Được biết, mới đây UBND xã Điềm Thụy cũng đã có công văn gửi các cấp, ngành chức năng của tỉnh đề nghị được thực hiện việc chia tách xóm. Theo hướng dẫn của Sở Nội vụ, UBND huyện Phú Bình cũng đã chỉ đạo xã Điềm Thụy tổ chức việc họp dân ở các xóm đông dân để lấy ý kiến và dự thảo phương án chia tách xóm. Điểm chung qua buổi họp dân mà chúng tôi ghi nhận được đó là mọi người đều mong mỏi sớm được chia tách xóm như phương án mà UBND xã đưa ra như trên đã nêu. Theo chúng tôi, đây cũng là nguyện vọng chính đáng và hoàn toàn trên tinh thần xây dựng của mỗi người dân. Mong rằng, các cấp, ngành chức năng của tỉnh sẽ quan tâm hơn nữa đến vấn đề này.