Cả nước hướng về đồng bào miền trung và Tây Nguyên

10:56, 05/10/2009

Ngày 4-10, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận hơn 2,7 tỷ đồng tiền mặt; 54 tấn gạo, một nghìn thùng mì tôm với tổng trị giá gần 3,5 tỷ đồng.

 

Tỉnh tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, động viên, cứu trợ bà con vùng lũ. Ngoài số tiền hỗ trợ theo quy định, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ hai triệu đồng đối với một người chết; 2.300 thùng mì ăn liền, 200 thùng dụng cụ gia đình, 20 bình nước khoáng và 100 suất quà Trung thu cho trẻ em vùng lũ với tổng số tiền hơn 260 triệu đồng.

 

Ban Thường vụ Tỉnh Ðoàn Thừa Thiên - Huế phối hợp Báo Tuổi trẻ thăm và tặng 248 suất quà gồm tiền mặt và gạo cho bà con nhân dân xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc với tổng giá trị 45 triệu đồng. Siêu thị Big C Huế phối hợp Ủy ban MTTQ tỉnh tặng bốn tấn gạo với 200 suất quà cho bà con vùng lũ.

 

Ðoàn đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam đã đến tỉnh Bình Ðịnh phối hợp Hội Chữ thập đỏ của tỉnh đi thăm và tặng hàng trăm suất quà trị giá hơn 50 triệu đồng cho nhân dân bị thiệt hại về người và của tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, An Nhơn và Hoài Nhơn. Chi nhánh Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển tỉnh Bình Ðịnh đã đến thăm hỏi và tặng 500 thùng mì tôm, trị giá 50 triệu đồng cho đồng bào xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn); xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) và những gia đình có người bị chết trong bão số 9 vừa qua. Ðoàn cũng đã đến thăm gia đình nạn nhân bị chết trong cơn bão số 9 ở Phú Yên, và trao 100 triệu đồng hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 9 cho đại diện của Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên.

 

Tỉnh Quảng Nam đã trao số tiền 10 triệu đồng tới các gia đình có người thân bị chết và mất tích trên tàu Thành Minh. Ðến nay, tỉnh Quảng Nam đã tạm ứng 70 tỷ đồng và một nghìn tấn gạo để tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn của nhân dân vùng bão lụt. Các cơ quan T.Ư, UBND các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp trên cả nước đã vận động trợ giúp tỉnh Quảng Nam số tiền hơn 3,78 tỷ đồng...

 

Tỉnh Tiền Giang đã quyết định trích ngân sách 450 triệu đồng trợ giúp khẩn cấp nạn nhân bão lũ miền trung và Tây Nguyên. Trong đó, hai tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Quảng Ngãi và Kon Tum mỗi tỉnh 100 triệu đồng; năm tỉnh còn lại là Quảng Nam, TP Ðà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Bình Ðịnh, Quảng Trị, mỗi tỉnh 50 triệu đồng.

 

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu vừa gửi điện thăm hỏi và chia buồn sâu sắc đến những hộ bị ảnh hưởng, đồng thời vận động ủng hộ cho đồng bào các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra với tổng số tiền 500 triệu đồng. Hiện toàn bộ số tiền đã chuyển về tài khoản của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để phân bố đến tận nơi cho đồng bào được sớm nhất.

 

Tỉnh ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên vừa quyết định ủng hộ 300 triệu đồng giúp đồng bào miền trung và Tây Nguyên khắc phục hậu quả bão, lũ. Ðồng thời trong tháng hành động vì người nghèo năm nay, tỉnh Hưng Yên tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ quỹ "Vì người nghèo" và giúp đỡ đồng bào miền trung và Tây Nguyên khắc phục hậu quả thiên tai.

 

UBND TP Cần Thơ đã ủng hộ hai tỷ đồng nhằm góp phần chia sẻ khó khăn, khắc phục thiệt hại của bà con các tỉnh miền trung - Tây Nguyên do cơn bão số 9 gây ra. Theo đó, ủng hộ các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum mỗi tỉnh 400 triệu đồng; Ðà Nẵng, Quảng Nam, mỗi tỉnh 300 triệu đồng, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Bình Ðịnh, mỗi tỉnh 200 triệu đồng.

 

Tính đến 18 giờ ngày 4-10, Ðà Nẵng đã nhận được 2 tỷ 573 triệu đồng; 2.312 thùng mì tôm; 2.350 thùng nước uống do 21 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khắp nước gửi gấp về cứu trợ sau bão, lũ số 9.

 

Cùng ngày, Ðà Nẵng cũng đồng ý chi tạm ứng từ ngân sách cho Sở Giáo dục và Ðào tạo Ðà Nẵng một tỷ đồng; cho Sở Y tế Ðà Nẵng 1,2 tỷ đồng. Với số tiền này, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã cho triển khai ngay việc lợp lại hàng loạt phòng học bị tốc mái, một số trường bị sập bộ phận, bảo đảm cho học sinh, sinh viên đến trường. Sở Y tế Ðà Nẵng đang triển khai việc khử trùng nước giếng, sửa chữa một số cơ sở y tế bị hư hỏng và phun hóa chất xử lý rác. Tuy vậy, đến cuối ngày 4-10, việc dọn, hốt rác trong các kiệt, hẻm khu vực Thanh Khê, Hải Châu vẫn rất chậm, bắt đầu ô nhiễm. Tại huyện Hòa Vang, đường đến bốn thôn thuộc xã Hòa Bắc vẫn rất khó khăn; hai thôn trong số đó cơ bản vẫn bị cô lập.