Đến 18h ngày 30/9, bão số 9 đã làm 86 người chết và mất tích (74 người chết, 12 người mất tích), hàng nghìn nhà cửa bị hư hại, cùng những thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, giao thông, thủy lợi... Tuy nhiên, theo nhận định, con số thiệt hại sẽ còn tăng bởi, đến chiều qua, nhiều vùng vẫn còn bị cô lập, chia cắt, lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận được. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi là rất lớn, trong khi ngập lụt ở vùng trũng hết sức nặng nề.
Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 9, các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã có mưa lớn kéo theo đó nước lũ các sông tại khu vực này đang lên rất nhanh. Hầu hết các sông đã vượt mức BĐ III, vượt mức lũ lịch sử. Ngày hôm qua, mưa ở những khu vực này đã giảm, song, nước lũ chưa rút, nhiều nơi vẫn bị cô lập.
Tính đến hôm qua 30/9, các tỉnh đã thực hiện di dời 103.123 hộ/356.790 người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm. Đến 18h cùng ngày, bão số 9 đã làm 86 người chết và mất tích (74 người chết, 12 người mất tích), hàng nghìn nhà cửa bị hư hại, cùng những thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, giao thông, thủy lợi... Tuy nhiên, theo nhận định, con số thiệt hại sẽ còn tăng bởi, đến chiều qua, nhiều vùng vẫn còn bị cô lập, chia cắt, lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận được.
Mực nước các sông lên nhanh và ở mức cao đã gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, đặc biệt là tại các khu vực thấp trũng ven sông, các vùng địa hình chia cắt làm cô lập nhiều khu vực dân cư.
Điển hình như thành phố Huế 70% diện tích bị ngập lụt trong đó các phường như Thuận Lợi, Xuân Phú, An Đông, Hương Sơn, Phú Hiệp ngập 100% sâu từ 0,3-1,5m; Đà Nẵng ngập toàn bộ 66 xã với 33 thôn; Quảng Ngãi ngập sâu ven sông Trà Bồng; Kon Tum ngập phần lớn các khu vực thành phố Kon Tum và ven các sông Đăkbla, Pô Kô.
Theo báo cáo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ sông La và sông Gianh đang lên; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy và sông Bồ tại Phú ốc đang dao động ở mức đỉnh; các sông từ Quảng Trị đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk đang xuống, nhưng còn ở mức rất cao.
Dự báo ngày 1-10 lũ các sông từ nam Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk xuống mức BĐ II; riêng hạ lưu sông Thu Bồn và các sông từ Quảng Bình đến Quảng Trị và Kon Tum còn dao động trên mức BĐ II.
Cần tiếp tục đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu diện rộng ở đồng bằng, vùng trũng ven sông các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk.
Các tỉnh dồn sức khắc phục hậu quả
Mực nước sông Hương tại Huế trong ngày 30-9 vẫn còn ở mức 3,69m, vượt BĐ III là 0,69m. Mưa to kết hợp với triều cường ven biển dâng cao làm ngập lụt 78.663 ngôi nhà sâu từ 0,2-1,5m; trong đó thành phố Huế có khoảng 44.200 nhà bị ngập lụt, chiếm khoảng 70% diện tích thành phố. Nặng nhất là các phường như: Thuận Lộc, Xuân Phú, An Đông, Hương Sơ và Phú Hiệp ngập 100%, sâu từ 0,3 đến 1,5m.
Nhiều tuyến đường ở thành phố Huế và các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc bị ngập sâu, chia cắt giao thông, phương tiện đi lại chủ yếu bằng thuyền. Có khoảng gần 1.000 hành khách bị kẹt lại tại các ga tàu. Hiện nhiều vùng đang bị cô lập do mưa lũ, đặc biệt là huyện Phong Điền, các xã Phú Thanh, Phú Dương (huyện Phú Vang). UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương dự trữ bổ sung 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền. Hôm qua 30-9, tỉnh đã xuất 10 tấn mì ăn liền hỗ trợ cho nhân dân.
Theo ước tính sơ bộ, tổng thiệt hại của thành phố Đà Nẵng do bão số 9 gây ra khoảng 120 tỷ đồng, làm 4 người chết, mất tích.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Đà Nẵng đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 70 tỷ đồng để sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng, đồng thời hỗ trợ thành phố 200 tấn lúa giống và 5 tấn giống rau các loại.
Sau cơn bão số 9, tuy hầu hết các chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố đã hoạt động trở lại nhưng lượng hàng hóa, rau củ đã giảm một nửa. Giá rau xanh đã tăng gấp đôi so với ngày thường. Một số loại lương thực khô như mì tôm cũng tăng từ 10.000-15.000 đồng/thùng.
Tỉnh Đắk Lắk tập trung lực lượng, vật tư, phương tiện hỗ trợ đồng bào các dân tộc sớm ổn định cuộc sống, bắt tay ngay vào sản xuất sau bão. Tỉnh chỉ đạo các đơn vị bộ đội, dân quân tự vệ, lực lượng đoàn viên thanh niên nhanh chóng di chuyển trên 120 hộ dân sống ở những nơi dễ bị sạt lở, lũ cuốn lên các điểm cao an toàn.
Các hộ gia đình bị sập nhà được đưa đến sống tạm ở các nhà dân xây dựng kiên cố liền kề; tập trung sửa chữa, làm lại nhà cho các gia đình bị tốc mái, đổ, giúp đồng bào sớm ổn định cuộc sống.
Quảng Ngãi đã tổ chức 9 đoàn công tác về các địa phương trực tiếp chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra, sớm ổn định cuộc sống cho người dân ở các vùng bị thiệt hại.
Tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát tất cả những khu vực dân cư bị cô lập, nơi tập trung sơ tán, di dời có nguy cơ bị thiếu đói, kịp thời điều động lực lượng, phương tiện và lương thực, hàng hóa cứu trợ cho nhân dân.
Tỉnh chỉ đạo các lực lượng đưa hơn 160 hộ dân ở 8 xã thuộc các huyện Nghĩa Hành và Bình Sơn sơ tán ra khỏi vùng lũ; khắc phục hệ thống điện bị hư hỏng do bão, đặc biệt là khu vực Khu kinh tế Dung Quất. Tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị BCĐ PCLB Trung ương và các Bộ, ngành trình Chính phủ xem xét cử 500 chiến sĩ quân đội để giúp người dân khắc phục hậu quả bão lũ; cử 2 tàu cứu hộ trục vớt các tàu, xà lan và một số tàu lớn của ngư dân bị chìm; cấp cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn tỉnh 2 ca nô ST750; hỗ trợ tỉnh 5.000 tấn gạo cứu đói và 100 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại về dân sinh và các công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại do mưa lũ.