Đổi thay ở Lát Đá

09:51, 07/10/2009

Năm 1975, theo chương trình di dân của tỉnh để xây dựng công trình đại thủy nông Núi Cốc, hơn 40 hộ dân ở xã Phúc Thọ, huyện Đại Từ đã chuyển về xóm Lát Đá, xã Bình Sơn, T.X Sông Công định cư. Những năm gần đây, do biết áp dụng những tiến bộ khoa học mới vào trồng trọt, chăn nuôi, đời sống của người dân Lát Đá ngày một nâng lên, 90% số hộ trong xóm có ti vi, xe máy;70% số hộ có nhà xây khang trang; 80% số hộ được sử dụng nước sạch…

 

Lát Đá là xóm miền núi thuộc diện khó khăn của T.X Sông Công, có 83 hộ với 340 nhân khẩu, trong đó có đến 97% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Để có được kết quả trên là do người dân Lát Đá đã biết ứng dụng những tiến bộ khoa học mới vào trồng trọt, chăn nuôi, mạnh dạn thay đổi những tập quán canh tác lạc hậu. Thông qua các lớp tập huấn, đặc biệt là sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông, bà con đã dần thay đổi phương thức phát triển sản xuất, mạnh dạn đưa giống lúa Khang dân thay thế cho lúa Bao thai năng suất thấp; cải tạo vườn tạp để trồng cây chè. Về chăn nuôi, bà con được phổ biến cách chăn nhốt, vừa giảm công lao động vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, chứ không thả rông như trước nữa.

 

Điển hình cho việc ứng dụng các tiến bộ mới về trồng trọt, chăn nuôi ở xóm phải kể đến chị Đào Thị San, một người phụ nữ công giáo. Chị tâm sự: “Khi được tập huấn về giống lúa Khang dân tôi đã mạnh dạn đưa vào gieo cấy trên 6 sào ruộng của gia đình và phổ biến cho bà con trong xóm. Mới đầu chỉ có 4 hộ cấy giống mới này, còn đa phần bà con vẫn còn đợi để xem có hiệu quả không thì mới cấy. Sau khi cho thu hoạch, thấy giống lúa Khang dân cho năng suất tăng 20-25kg/sào so với giống Bao thai trước đây, nên bà con tích cực làm theo”. Cũng qua các lớp học chị có dịp được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm ăn với nhiều hội viên ở các phường, xã bạn. Chị đã tự học kỹ thuật làm mạ khay của một hội viên ở phường Cải Đan về áp dụng tại xóm. Thấy chị gieo mạ khay, lúa lên tốt lại tiết kiệm được thời gian nên đến nay 50% số hộ trong xóm đã áp dụng phương pháp này.

 

Về cách chăm sóc cây chè, người dân Lát Đá đã biết đầu tư thâm canh phòng trừ sâu bệnh, thu hái sản xuất chè đúng kỹ thuật… Từ chỗ năng suất chè chỉ đạt 30kg/sào/năm, nay đã tăng lên 50kg/sào/năm. Hiện xóm có hơn 20 ha chè, trong đó có 3ha chè cành. Kinh tế phát triển người làm chè đã có điều kiện đầu tư mua máy bơm nước, máy sao, vò chè… không còn phải làm thủ công như trước nữa. Cây chè giờ đây đã trở thành cây trồng chủ lực của Lát Đá, nhiều hộ dân trong xóm đã thoát nghèo và làm giàu nhờ cây chè. Ông Ôn Văn Vòng, Trưởng xóm Lát Đá cho biết: Mỗi năm trung bình xóm Lát Đá sản xuất được khoảng 4,5 tấn chè búp khô bán ra thị trường. Ngoài trồng chè, hiện nay phong trào trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc cũng được người dân Lát Đá tích cực hưởng ứng, đến nay toàn xóm trồng được 20 ha rừng. Từ khi áp dụng phương pháp chăn nhốt, năng suất vật nuôi tăng cao, hạn chế được dịch bệnh. Ngoài nuôi lợn, gà, con ong cũng đã được người dân Lát Đá đưa vào nuôi. Hiện cả xóm Lát Đá có khoảng gần 300 con gia súc, trên 600 con gia cầm các loại và 40 thùng ong. Nhiều hộ đã mạnh ran mở rộng quy mô chăn nuôi, như gia đình anh Trần Văn Mạnh đầu tư nuôi 3 lợn nái và gần chục con lơn thịt cung cấp con giống cho cả xóm và các xóm lân cận.

 

Khi đời sống người dân được nâng cao, các phong trào đóng góp xây nhà văn hóa, làm đường bê tông đều được bà con tích cực hưởng hứng. Năm 2001, bà con trong xóm đã đóng góp trên 15 triệu đồng xây nhà văn hóa xóm. Đầu năm 2009, bằng nguốn vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân trong xóm đã đóng góp trên 42 triệu đồng và 340 ngày công lao động bê tông được 500m đường. Kế hoạch từ nay đến hết năm 2010, xóm Lát Đá tiếp tục vận động nhân dân bê tông tiếp 3km đường trục chính của xóm.