Hạnh phúc là được hy sinh

08:35, 20/10/2009

Tháng 5/2009, tuyến đường liên xã: Phục Linh - Tân Linh - Phú Lạc qua Đức Lương - Phúc Lương (Đại Từ) sang các xã Ôn Lương - Hợp Thành... nối với thị trấn Đu (Phú Lương)... được đưa vào sử dụng. Kể từ đây, hàng nghìn hộ dân ở những xã này không còn lo sản phẩm nông nghiệp của mình bị tư thương ép giá.

 

Để có tuyến đường nhựa mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho mọi người, hàng trăm hộ dân ở đây đã tự nguyện hiến đất cho Nhà nước mà không đòi hỏi đền bù, trong số đó có gia đình ông Phan Ngọc Lan, người dân tộc Nùng, xóm Cây Nhừ, xã Phú Lạc (Đại Từ), hiến 388m2 đất thổ cư... Ông Lan bảo: Mới năm trước thôi, đoạn đường này kinh khủng lắm, vừa nhỏ hẹp, vừa lầy lội khiến ai cũng ngại ra đường. Đầu năm 2008, khi cán bộ huyện, tỉnh về vận động bà con hiến đất làm đường (Lúc đó ông Lan đang là Bí thư Chi bộ xóm Cây Nhừ). Sau mấy đêm suy nghĩ, ông cùng Trưởng xóm Nguyễn Trung Kiên cùng các hội, đoàn thể cơ sở cách tuyên truyền, vận động. Trong cuộc họp gồm đông đủ các chủ hộ của 42 hộ trong xóm Cây Nhừ, ông Lan bảo: Đất của tôi là phần hương hoả do các cụ thân sinh để lại. Trước năm 1960, gia đình tôi đóng góp toàn bộ số đất này vào hợp tác xã. Năm 1988, hợp tác xã giải thể, tôi được nhận lại phần đất của gia đình mình, nhưng chỉ giữ lại 3 mẫu, số còn lại chia cho anh em, bà con cùng làm. Nay, Nhà nước cần đất để làm đường, cần bao nhiêu tôi hiến bấy nhiêu... Nghe thế, một số hộ trước đó còn phân vân, muốn được Nhà nước hỗ trợ tiền đất cũng... đồng tình. Vậy là 17 hộ của xóm có liên qua tới công trình đường đều hăng hái đăng ký được hiến đất, trong đó gia đình ông Nguyễn Văn Quyết hiến gần 1.000m2 đất ruộng; gia đình ông Nguyễn Trung Kiên hiến 750m2 đất thổ cư; gia đình bà Vũ Thị Ánh hiến hơn 300m2 đất thổ cư... 

 

Qua câu chuyện với ông chúng tôi còn được biết: Là đảng viên, ông Lan không chỉ vận động vợ con hiến đất mở đường, mà còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong xóm cùng làm theo. So với một số bà con trong xóm, ông Lan chưa phải là người có công trình cần lấy nhiều đất nhất, nhưng ông là người dân tộc thiểu số, là đảng viên, một cựu chiến binh và là thương binh hạng 4/4. Mẹ ông, cụ Lương Thị Chau, 98 tuổi động viên: Hồi đánh Pháp, nhà ta ủng cho chiến dịch Điện Biên Phủ hơn 3 tấn thóc, 1 con trâu và 1 cái xe đạp. Sang đánh Mỹ, con là thương binh, âu cũng là cái phúc của gia đình với cách mạng. Bây giờ gia đình lại có chút đất được hiến cho Nhà nước làm đường, đó cũng là một hạnh phúc lớn.

 

Trong cuộc đời, sẽ không còn hạnh phúc nào lớn hơn, trọn vẹn hơn là được hiến dâng, được hy sinh một chút lợi ích riêng cho cộng đồng xã hội. Ông Phan Ngọc Lan, cũng như rất nhiều đảng viên, cựu chiến binh, thương binh, người đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã biết đặt lợi ích xã hội lên trên lợi ích cá nhân mình. Ông Lan, cũng như nhiều lòng tốt, hay nói đúng hơn - họ là những người biết hy sinh, để cùng cộng đồng làm lên diện mạo mới đổi thay cho những vùng quê nghèo.