Sau khi được tham gia tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kinh nghiệm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bà Nguyễn Thị Khánh, thành viên người cao tuổi của xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên) đã sử dụng số tiền vay 2 triệu đồng để mua 1 con bò sinh sản.
Sau 1 năm, bà Khánh có thêm 1 con bê, cuối năm bán được 3 triệu đồng. Bà Khánh lại dùng số tiền bán bê mua gà giống về chăn thả... Bằng cách làm như vậy, sau hơn 2 năm (từ giữa năm 2007 đến nay), gia đình bà Khánh đã thoát nghèo.
Động cơ thúc đẩy, giúp bà Khánh thoát nghèo là nhờ có sự hỗ trợ về vốn vay, kinh nghiệm phát triển kinh tế từ mô hình hoạt động tăng thu nhập của CLB liên thế hệ, do Dự án Thúc đẩy cách tiếp cận liên thế hệ nhằm cải thiện đời sống cho các nhóm thiệt thòi ở Việt Nam hỗ trợ. Qua tìm hiểu chúng tôi biết: CLB này được thành lập từ tháng 7/2007, gồm 50 thành viên là nông dân thuộc xóm Trước và xóm Sau của xã Lương Sơn, trong đó có 32 thành viên là người cao tuổi. Để CLB hoạt động có hiệu quả, Ban Chủ nhiệm đã đề ra quy chế : Mỗi tháng CLB sinh hoạt 1 lần vào ngày 10 hằng tháng, qua đó các thành viên đóng góp ý kiến xây dựng CLB, trao đổi về tâm tư, nguyện vọng của bản thân để mọi người cùng biết, thống nhất mỗi thành viên đóng góp 20 nghìn đồng xây dựng quỹ. Cùng với đó, Dự án hỗ trợ cho CLB số tiền vốn 59,6 triệu đồng, trên cơ sở đó, CLB đã xét cho 26 thành viên vay để phát triển kinh tế, trong đó có 6 mô hình chăn nuôi trâu, bò; 17 mô hình chăn nuôi lợn, gà và 3 mô hình chăn nuôi cá. Qua kiểm tra, các thành viên tham gia vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, nâng cao mức sống trong mỗi gia đình.
Điều quan tâm là số vốn của Dự an hỗ trợ cho CLB đã được quay vòng 2 lần. Hầu hết các thành viên trong CLB đều đã được tham gia vay vốn này. Điển hình trong hoạt động tăng thu nhập của CLB như mô hình chăn nuôi gà của gia đình bà Phạm Thị Hường. Từ chuồng trại đã làm được trước đây, số tiền 2 triệu đồng bà Hường vay được từ Dự án, bà mua 300 con gà giống hết 1,5 triệu đồng, số tiền còn lại bà để mua thức ăn, thuốc phòng bệnh. 5 tháng sau, bà xuất bán lứa đầu tiên được 650 kg gà, trừ chi phí còn lãi 8 triệu đồng. Sau hơn 2 năm, bà Hường đã có 4 lứa gà xuất bán, với số tiền lãi hơn 30 triệu đồng. Hiện nay, bà Hường đã mua sắm được ti vi, tủ lạnh và một số tiện nghi sinh hoạt khác trong gia đình. Ngoài tiền trả nợ gốc, bà Hường hiện đang có hơn 500 con gà cũng đang chuẩn bị đến kỳ xuất bán.
Trong hoạt động tăng thu nhập của CLB, còn có mô hình chăn nuôi cá tập thể đạt hiệu quả kinh tế xã hội cao. Mô hình này có 3 thành viên đứng tên vay với số vốn 9 triệu đồng; đồng thời huy động được thêm hơn 20 thành viên cùng tham gia tu sửa, cải tạo hơn 300m2 mặt nước hồ ao nuôi cá. Sau 2 năm, mô hình đã cho 3 lần khai thác, với sản lượng trên 7 tạ cá, tương đương số tiền 14 triệu đồng. Bà Phạm Thị Phượng, Chủ nhiệm CLB cho biết: Mô hình không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên CLB, mà còn tạo sự gắn kết giữa mọi người trong cộng đồng dân cư.
Cùng hoạt động tăng thu nhập, CLB còn luôn quan tâm tới hoạt động chăm sóc sức khỏe của các thành viên cao tuổi. Với 7 tình nguyện viên thường xuyên đến với các thành viên cao tuổi cô đơn, ốm yếu trong CLB để động viên, giúp đỡ như kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp, phổ biến những kiến thức về tự chăm sóc bản thân, phổ biến một số cây thuốc nam chữa bệnh thông thường, hướng dẫn luyện tập thể dục dưỡng sinh, các bài tập phục hồi chức năng hệ hô hấp... Nhờ có các hoạt động thiệt thực, CLB đã kết nạp mới được 7 thành viên người cao tuổi mới, nâng tổng số thành viên CLB lên 57 người.