Hiệu quả vốn vay xây dựng hạ tầng nông thôn ở Phú Lương

09:09, 06/10/2009

Là một trong những địa phương thực hiện cơ chế của UBND tỉnh về sử dụng vốn tín dụng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn giai đoạn 2009-2015, từ đầu năm đến nay, huyện Phú Lương đã  khởi công và hoàn tất các thủ tục xây dựng 34 công trình dân sinh trên địa bàn.

Điều đáng lưu ý là trong tổng giá trị dự kiến xây dựng gần 9 tỷ đồng thì lượng đóng góp đối ứng của người dân địa phương chiếm 30%. 

 

Những ngày này, đoạn đường giao thông liên thôn Cây Thị - Đồng Lường của xã Tức Tranh dài 1,5km đang được Doanh nghiệp tư nhân Diệp Anh - đơn vị xây dựng của địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/10 này. Công trình có tổng đầu tư gần 950 triệu đồng, trong đó, người dân các xóm được hưởng lợi từ công trình đối ứng 30%. Đoạn đường này được thiết kế với chiều rộng 3m, đổ bê tông dầy 16cm, đảm bảo giao thông đi lại với trọng tải không quá 10 tấn.

 

Ông Trịnh Văn Tường, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: "Sau khi có quyết định phê duyệt đầu tư Dự án, chúng tôi đã cùng phòng chuyên môn của huyện triển khai ngay các bước: ký hợp đồng với nhà thầu thi công, thuê tư vấn giám sát kỹ thuật, thành lập ban giám sát cộng đồng... Cùng với đó, xã chỉ đạo các xóm vận động nhân dân chia đều đóng góp đối ứng theo nhân khẩu". Khi được biết Nhà nước hỗ trợ vốn vay làm đường giao thông, người dân nơi đây rất đồng tình và hưởng ứng ngay. Bởi vậy, chỉ chưa đầy một tháng, 2.000 nhân khẩu trực tiếp hưởng lợi từ công trình này đã đóng góp đủ 30% vốn đối ứng theo quy định. Tại các đoạn đường đang thi công, Ban giám sát cộng đồng của xã, xóm và cán bộ giám sát kỹ thuật (Công ty cổ phần xây dựng Miền Đông) thường xuyên túc trực để đảm bảo công trình đạt chất lượng tốt nhất.

 

Ông Hầu Văn Thành, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Tức Tranh, Trưởng Ban giám sát cộng đồng của xã có mặt tại công trường khẳng định: "Phía nhà thầu thi công đã tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật theo thiết kế, vật tư thiết bị đều đảm bảo. Không có tình trạng bớt xén vật liệu hay cắt giảm hạng mục công trình. Mỗi ngày nhà thầu thi công được 9 tấm bê tông rải mặt đường, mỗi tấm dài 3,5m, rộng 3 m. Được biết, hàng ngày Ban giám sát cộng đồng của xã đều ghi sổ nhật ký công trình và báo cáo kịp thời với chủ đầu tư tiến độ thi công.

 

Năm 2009, huyện Phú Lương được phân bổ 7,9 tỷ đồng vốn vay đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Huyện đã tiến hành thẩm định được 34 công trình với tổng giá trị đầu tư gần 9 tỷ đồng (gồm cả 30% vốn đối ứng của nhân dân). Trong đó có 28 công trình đường dân sinh nối thôn xóm ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn, số còn lại là các trạm bơm, đập tràn, kênh mương dẫn nước tưới nội đồng. Huyện đã giao toàn bộ số dự án trên cho UBND các xã, thị trấn làm chủ đầu tư. Hiện tại, cùng với công trình bê tông hoá đường liên thôn Cây Thị - Đồng Lường, huyện Phú Lương có thêm 10 công trình xây dựng tại các xã: Vô Tranh, Hợp Thành, Phú Đô, Sơn Cẩm, thị trấn Đu và thị trấn Giang Tiên đã và đang trong quá trình thi công. Dự ước giá trị khối lượng hoàn thành của các công trình trên đến thời điểm này đạt khoảng 2 tỷ đồng. Mặc dù một số xã còn khó khăn, nhất là trong việc huy động vốn đối ứng của người dân, nhưng huyện quyết tâm trong năm 2009 sẽ khởi công toàn bộ các công trình được phê duyệt theo kế hoạch.

 

Có thể nói, việc sử dụng vốn tín dụng của Nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ở Phú Lương đang được các cấp chính quyền địa phương triển khai thực hiện một cách bài bản. Sau khi có quyết định phân bổ vốn của tỉnh, huyện đã xây dựng kế hoạch bố trí vốn xây dựng hạ tầng gửi các xã, thị trấn, các địa phương này sẽ thuê tư vấn thiết kế cho từng công trình cụ thể. Tiếp theo, huyện tổ chức thẩm định và có quyết định phân bổ vốn chi tiết cho từng địa bàn. Lúc này, các xã, thị trấn sẽ ký hợp đồng với các nhà thầu thi công, thuê tư vấn giám sát kỹ thuật, thành lập các ban quản lý, ban giám sát cộng đồng…và triển khai xây dựng công trình. Trong quá trình thi công, các phòng ban chuyên môn của huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời báo cáo, tham mưu xử lý những trường hợp đầu tư không đúng mục đích, không đúng quy trình, hoặc thi công kém chất lượng (nếu có).

 

Theo đánh giá của Phòng Công thương Phú Lương thì đến nay các công trình đã khởi công theo nguồn vốn trên đều đảm bảo đúng thiết kế, thẩm định, đầu tư đúng mục đích, không gây lãng phí. Sau khi trực tiếp tham gia kiểm tra, giám sát một số công trình xây dựng tại các xã, thị trấn trên địa bàn, ông Nguyễn Vi Hồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương khẳng định với chúng tôi: "Ban đầu, một số xã còn lúng túng trong việc chọn lựa nhà thầu tư vấn hoặc chậm thẩm tra hồ sơ, nhưng đến nay, cơ bản những vướng mắc đó đã được giải quyết. Sự đồng tình hưởng ứng của người dân hưởng lợi từ các công trình đã giúp cho việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được thuận lợi hơn. Hơn nữa, sự sát sao của chính quyền sở tại, sự vào cuộc của ban giám sát cộng đồng đã góp phần đảm bảo chất lượng các công trình, tránh những dư luận không tốt trong nhân dân…" 

 

Mới đây, đoàn kiểm tra về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn của UBND tỉnh đã có buổi giám sát tại huyện Phú Lương. Tại đây, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Trưởng đoàn giám sát, ông Đinh Khắc Tĩnh nhận xét: Phú Lương là một trong những địa phương triển khai sớm của tỉnh, nhưng bước đầu đạt kết quả rất khả quan. Theo ghi nhận của chúng tôi, việc tổ chức sử dụng nguồn vốn vay của huyện là hợp lý, đúng quy trình và đảm bảo chất lượng các công trình.